18 giờ, ông Nguyễn Hồng Dũng, trú khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện (Đồng Xoài) từ rẫy ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) về đến nhà. Nhìn mâm cơm có món vịt nấu giả cầy và 1 rổ khoai mì luộc sẵn, ông Dũng mỉm cười nói với chúng tôi: “Biết vợ làm mấy món này cực, tôi cản hoài nhưng tính bà hay chiều ý thích của chồng và các con”. Ánh mắt và nụ cười tình cảm của vợ chồng ông Dũng khiến người đối diện bất ngờ khi biết ông bà đã bước sang tuổi 70.

YÊU THƯƠNG…

Cưới nhau từ năm 1971 tại Nghệ An, ngày đó, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1947), cảm phục ý chí và nghị lực của người thương binh Nguyễn Hồng Dũng (SN 1948) đã để lại cánh tay phải ở chiến trường Thừa Thiên – Huế năm 1969. Sinh hoạt và làm việc bằng cánh tay trái còn sót lại vài mảnh đạn đối với ông Dũng không dễ dàng gì. Ông viết chữ “a” thành chữ “u” nhưng vẫn kiên trì rèn luyện, được đơn vị cho đi ôn văn hóa và vào học Trường đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Tập chạy xe đạp, ông lao từ dốc xuống bị ngã chảy máu. Lúc đầu chỉ đẩy được 50kg, dần dần ông đẩy xe đạp chở nặng 300kg, hơn cả người bình thường. Từ đi cày, cắt lúa, tát nước gàu dai ông đều làm thành thạo. Với bà Nhung, “kim chỉ nam” cuộc sống là luôn sống có trách nhiệm, chăm sóc gia đình chu đáo, đối với chồng con luôn nhường nhịn, vị tha và sống hết lòng. Ông Dũng nói: Tình cảm của tôi xen lẫn sự biết ơn người phụ nữ tảo tần chăm sóc sức khỏe từng ly, từng tý cho chồng, con. Khi có những sự việc khiến một trong hai người nổi nóng thì vợ hoặc chồng dù đúng nhưng vẫn nhường nhịn, đến khi người kia nguôi thì giải thích rõ mọi việc. Vì vậy, dù trải qua nhiều khó khăn, bất trắc… nhưng gia đình tôi vẫn yên ấm.

dsc060820032017090158Gia đình ông Dũng quây quần bên bữa cơm tối

Ông Dũng kể: “Năm 1990, tôi đưa vợ con từ Nghệ An vào Bình Phước lập nghiệp. Ban đầu, tôi chạy xe đạp lấy kem đi bán kiếm tiền, còn vợ nuôi 3 con heo nái, đàn heo thịt và đàn vịt. Hai con lớn của tôi 1 buổi đi học, 1 buổi phụ cha đi bán kem. Tích cóp để dành được ít vốn, tôi về Nghệ An đưa 6 thanh niên vào Bình Phước nhận vườn và dẫn công đi làm thuê. Nhờ tận tâm, chúng tôi được tin cậy và có nhiều người thuê. Vừa làm thuê vừa tích lũy mua đất, đến nay, gia đình tôi đã có 30 ha điều và cao su. Tôi đã chia 20 ha cho 4 đứa con lập nghiệp, còn lại 10 ha hai vợ chồng dưỡng già”.

“Tôi luôn dạy con yêu lao động, sống lương thiện là tôn trọng chính bản thân mình và đã đền đáp tình thương của cha mẹ. Khi được 14 tuổi, con trai đầu của tôi là Nguyễn Văn Tưởng (SN 1974) xin nghỉ học, phụ cha làm rẫy nuôi 3 em ăn học. Năm 1997, kinh tế gia đình tương đối ổn định, Tưởng đi học lại đến năm 2001 tốt nghiệp cấp 3 và được kết nạp Đảng. Lo làm ăn nhưng tôi luôn dành thời gian chăm sóc và kể cho các con về truyền thống gia đình: Ông nội tham gia kháng chiến chống Pháp, 3 anh em tôi 2 người là thương binh, 1 bệnh binh. Dù xa quê nhưng những phong tục tốt đẹp, lễ hội ở quê, việc lớn trong dòng tộc tôi đều nói để nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục con cháu, để các con biết sống sao cho xứng đáng với dòng họ, cha ông. Thương cha mẹ, các con tôi đều chăm học. Hai con gái là Nguyễn Thị Trang đang dạy học ở Trường THPT Nguyễn Du và Nguyễn Thị Bắc là giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài). Con trai Nguyễn Văn Việt làm công an ở Trại giam An Phước”.

VÀ CHIA SẺ

Ông Dũng cho biết: Dù tuổi cao nhưng hằng ngày tôi vẫn cùng nhân công đi làm rẫy, vừa rèn luyện sức khỏe, qua đó dạy các con luôn sống có ích, không lãng phí thời gian. Đối với hai bên nội, ngoại, để khuyến học, khuyến tài, cứ mỗi cháu đậu đại học tôi hỗ trợ 5 triệu đồng/cháu, cao đẳng hỗ trợ 3 triệu đồng/cháu. Tôi thường xuyên tặng học bổng cho học sinh vượt khó, học giỏi ở Đồng Xoài để các cháu yên tâm đi học.

Trong cuộc sống, tôi không dạy các con lý thuyết suông mà bằng hành động của bản thân để con noi theo. Từ lúc gia đình còn khó khăn tôi đã dạy con biết chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn. Tôi đã hỗ trợ chi phí cho 2 người bệnh tim đi phẫu thuật. Bất lực khi thấy 1 người dân bị chết đuối, năm 1998 tôi tích cóp tiền làm 1 cầu gỗ bắc qua suối Nhung dài 14m, rộng 2,3m. Năm 2000, tôi ủi 1 dốc cao ở suối Mum để người dân đỡ gặp tai nạn khi qua đoạn đường này. Năm 2011, tôi hỗ trợ làm 2 đoạn đường sỏi đỏ ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) hết 53 triệu đồng để người dân không phải chịu cảnh lầy lội vào mùa mưa. Tôi cho một số cựu chiến binh khó khăn vay 210 triệu đồng không tính lãi để thoát nghèo và một số hộ vay 2,3 tỷ đồng theo lãi suất ngân hàng để họ có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu. Đó cũng là cách tôi trả ơn cho mảnh đất đã nuôi sống gia đình tôi.

Tuyết Ly/BPO

Từ khóa : chăm sócTin tức Bình Phướctình cảmvị tha

Các tin liên quan đến bài viết