Đó là khẳng định của Sở Y tế TP.HCM trong bối cảnh các cơ sở hành nghề và dạy nghề thẩm mỹ xăm, phun, thêu nở rộ bất chấp quy định của pháp luật.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện chưa có cơ sở dạy nghề thẩm mỹ nào về xăm, phun, thêu trên da được Sở LĐ,TB&XH TP cấp phép hoạt động.
Do đó, trong quá trình kiểm tra giám sát, nếu phát hiện các cơ sở hành nghề và dạy nghề thẩm mỹ không tuân thủ quy định pháp luật, Sở Y tế TP đề nghị các địa phương phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Hiện nay, các cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác…, làm thay đổi các bộ phận của cơ thể, đều phải có giấy phép hoạt động.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Theo Sở Y tế TP, những người thực hiện các kỹ thuật nêu trên đều phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp do Sở LĐ,TB&XH TP cấp.
150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đơn vị chỉ cấp phép cho gần 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, đảm bảo nghiêm các điều kiện hoạt động như có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đơn vị này đã kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là tiệm làm đẹp, chăm sóc da. Hiện tượng spa “4 không” (không bảng hiệu, không giấy đăng ký kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động)… ngang nhiên hoạt động khá phổ biến.
Nguồn: tuoitre.vn