Trong những năm gần đây, hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển mạnh do kỹ thuật đơn giản, vốn đầu tư thấp, ít tốn nhân công lao động mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và cuộc sống của người dân.

Hộ nuôi yến phát triển mạnh mẽ

 Nhiều căn hộ xây dựng nuôi, dẫn dụ chim yến sát khu dân cư. 

Theo Chi cục Thủy sản Chăn nuôi Thú y Bình Dương, trong năm 2018, Bình Dương có trên 200 hộ làm nhà dẫn dụ, nuôi chim yến. Đến tháng 9/2019, số lượng làm nhà dẫn dụ, nuôi chim yến là 350 hộ, (tăng khoảng 150 hộ) với tổng diện tích nhà nuôi khoảng 81.000m2, số lượng chim yến trên 350.000 con, sản lượng tổ chim yến 1.700 kg/năm. Hầu hết, số hộ nuôi yến tập trung nhiều ở huyện Dầu Tiếng (211 hộ) và huyện Bàu Bàng (71 hộ), còn lại nằm rải rác ở khắp các huyện, thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Hộ nuôi yến của ông Huỳnh Văn Giáo (khu phố 5, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) mới xây dựng nhà nuôi yến được hơn một năm, nhưng với lượng yến thô thu hoạch được gần 1,5 kg hằng tháng đã mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, giúp gia đình ông ổn định kinh tế.

Theo ông Giáo, nghề nuôi chim yến chủ yếu chỉ tốn khoản đầu tư xây dựng nhà nuôi yến và thức ăn chất lượng, sau đó đàn chim sẽ tự dẫn dụ tới. Những hộ nuôi lâu năm, có kinh nghiệm và diện tích nhà yến rộng sẽ dễ dàng thu hoạch mỗi tháng từ vài kg yến thô trở lên. Với giá thị trường của yến thô hiện đang ở mức cao từ 20 – 30 triệu đồng/kg thì lợi nhuận thu về là không nhỏ. Tuy nhiên, việc khó nhất khi nuôi yến là phải chú ý vấn đề môi trường và âm thanh để giữ vệ sinh làng xóm, không gây ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của cư dân xung quanh.

Bà N.T.X, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương chia sẻ, ở khu vực phường nơi bà đang sống có gần chục hộ dân nuôi và dẫn dụ chim yến. Một người nuôi, dẫn dụ yến thành công là nhiều người học tập theo. Tuy nhiên, việc dẫn dụ và nuôi chim đã gây “ô nhiễm” âm thanh trầm trọng trong khu vực vì tiếng ồn từ loa dụ yến phát thanh liên tục khiến người dân không thể nghỉ ngơi, sức khỏe cũng bất ổn theo. Ngoài ra, số lượng chim quá đông cũng khiến người dân lo ngại về nguy cơ bệnh dịch khi phân chim tràn lan trong khu dân cư nhưng không được thu dọn sạch sẽ.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Mỹ cho biết, việc nuôi, dẫn dụ chim yến tạo ra thu nhập cao cho người dân, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương. Nhưng việc phát triển quá nhanh các nhà nuôi yến đã gây ra tiếng ồn từ thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến, với âm thanh lớn và khó nghe; đồng thời, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường cũng như nguy cơ về dịch bệnh gia cầm cúm A/H5N1… Vì vậy, địa phương cũng đang sát sao theo dõi, quan tâm đến vấn đề này trên địa bàn phường.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Chăn nuôi Thú y Bình Dương cho rằng, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương là rất lớn. Bởi nhiều khu vực trong tỉnh có tiểu khí hậu khá tốt, các dòng chảy, cánh đồng tự nhiên, thuận lợi cho côn trùng phát triển, tạo nguồn thức ăn chính cho chim yến. Tuy nhiên, đối với các hộ dân chưa có kinh nghiệm mà lại ồ ạt đầu tư theo phong trào dễ có nguy cơ phá sản vì bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng để làm nhà nuôi nhưng yến không về làm tổ.

Còn nhiều khó khăn trong quản lý

Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn số 4642 chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 35/2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.

Theo đó, tùy theo điều kiện, đặc điểm và tập tính tự nhiên của chim yến, các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiện trạng để xây dựng quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời, triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả. Cũng theo quy định, cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến không vượt quá quy định, trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm, nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện nay việc nuôi yến có 3 loại mô hình chính: mô hình xây nhà yến bằng gạch, bê tông cốt thép; mô hình xây dựng 3D đang được các nhà đầu tư thực hiện tạo mô hình cấu trúc hấp dẫn trong các khu du lịch; mô hình nhà lắp ghép bằng tấm lợp thông minh được thực hiện theo hình thức thiết kế khung sắt, lợp mái và bao bọc tole. Tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các nhà nuôi, dẫn dụ yến tự phát xây mô hình kết hợp người ở sinh hoạt ở dưới và nuôi chim yến ở tầng trên. Trên thực tế, nhiều nhà dân nuôi chim yến tìm cách lách các quy định bằng các xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng nhà xây xong thì đưa chim yến vào nuôi. Tuy nhiên, việc tự ý xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới, chuyển đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến còn nhiều bất cập trong quản lý.

Ông Trần Phú Cường – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Chăn nuôi Thú y Bình Dương cho biết, việc xây nhà dẫn dụ và nuôi chim yến ảnh hưởng đến nhiều luật, trong đó có Luật thú y, Luật quy hoạch, Luật bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… Khó khăn hiện nay là không có một quy trình chung, thống nhất chung để hướng dẫn cho người dân nuôi và dẫn dụ chim yến. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư 35/2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa cụ thể về việc cấp phép xây dựng và quy hoạch địa điểm.

Hiện nay tại Bình Dương, việc cấp phép nuôi yến dựa vào khoảng cách nhà yến so với nhà dân theo quy định về bảo vệ môi trường; địa điểm phải được chính quyền địa phương chấp thuận; xây công trình nhà yến phải được cấp phép vì tính chất an toàn công trình… Đối với những trường hợp xây trái phép, không phép, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương vận động chủ các cơ sở nuôi yến làm giấy phép, thực hiện đúng theo các quy định liên quan. Ngành đang chờ Luật Chăn nuôi và nghị định của Chính phủ có liên quan sớm ra đời và có hiệu lực để có đủ căn cứ pháp lý xử lý tình trạng nói trên.

Ngoài ra, trình độ, nghiệp vụ của cán bộ quản lý lĩnh vực này ở các cấp còn hạn chế, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến… Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác, nên khi dịch cúm gia cầm xảy ra gây khó khăn cho ngành nông nghiệp về công tác quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh.

Hiện nay ngành nông nghiệp quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn theo hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh trong khi thiếu các hướng dẫn và quy định về mặt kỹ thuật đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về nuôi chim yến. Bên cạnh đó, hiện ngành nông nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phát triển nghề nuôi chim yến.

Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)

Từ khóa : Bình Dươnghướng dẫn ngườinuôi chim yếnnuôi dẫn dụ chim yếnquản lý nuôi chim yến

Các tin liên quan đến bài viết