“Nhiều người nhờ các bị cáo xem điểm nhưng lại thành nâng điểm. Các bị cáo cũng biết đây là việc trái pháp luật, không ai làm việc trái pháp luật mà không có sự nhờ vả” – chủ tọa phiên xử vụ gian lận thi ở Hà Giang nói tại tòa sáng nay 17-10.

Chủ tọa phiên tòa gian lận thi ở Hà Giang: Nhờ xem điểm được nâng điểm là điều rất vô lý - Ảnh 1.

Bà Vương Thị Thu Hà – chủ tọa phiên tòa

Sáng 17-10, HĐXX phiên tòa vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang tiếp tục xét hỏi các nhân chứng liên quan.

Nhân chứng Phạm Thị Ngọc Hà – chuyên viên phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Hà Giang – cho biết nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) xem điểm cho thí sinh N.X.Đ. nhưng kết quả là cháu bà Hà được nâng điểm.

Theo bà Hà, bố mẹ N.X.Đ. không nhờ vả nhưng chính bà chủ động nhờ ông Hoài xem điểm cho cháu.

“Nhờ xem điểm sao kết quả lại nâng điểm?’, chủ tọa hỏi. “Tôi không làm thi bao giờ nên không biết cái này”, bà Hà đáp.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng việc nhờ phải có ngụ ý, nhờ giúp đỡ cái gì, chẳng ai nhờ không mà kết quả lại được nâng điểm. Bà Hà nói: “Khi nhờ anh Hoài giúp được đến đâu thì hay đến đó, còn nếu không được thì thôi, anh Hoài nói với tôi đã nhờ còn mặc cả, khi nhờ tôi cũng không có quà cáp gì?”.

Chủ tọa nói: “Không quà cáp gì mà bao nhiêu người nhờ để bị cáo phải vào vòng lao lý như thế? Các ông, bà suy nghĩ thế nào mà khẳng định không nhờ nhưng kết quả lại thành nâng điểm, trong khi các bị cáo đều là những người ở cương vị lãnh đạo?”.

Chủ tọa phiên tòa gian lận thi ở Hà Giang: Nhờ xem điểm được nâng điểm là điều rất vô lý - Ảnh 2.

Nhân chứng trả lời HĐXX tại phiên tòa sáng 17-10 

Một nhân chứng khác cũng nói chỉ nhờ bị cáo Hoài xem điểm cho con nhưng kết quả con lại được nâng điểm. Chủ tọa hỏi: “Điều đó có vô lý không?”. “Tôi không biết vì sao. Lúc đầu con tôi có xét tuyển nguyện vọng vào Trường đại học Kiểm sát, nhưng khi chấm lại thì không đủ điều kiện, chỉ khi công bố tôi mới biết” – nhân chứng này nói.

Chủ tọa tiếp tục nói gắt: “Không chỉ riêng chị mà rất nhiều người nhờ các bị cáo xem điểm nhưng lại thành nâng điểm? Có mâu thuẫn không? Các bị cáo cũng biết đây là việc trái pháp luật, không ai làm việc trái pháp luật mà không có sự nhờ vả. Đây là một điều rất vô lý. Không thể trả lời qua quýt như thế”.

“Chỉ nhờ xem điểm mà kết quả nhờ nâng điểm? Đây là một điều không thể chấp nhận được” – chủ tọa khẳng định.

Một nhân chứng khác là bà Nguyễn Thị Thanh Bình – hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Quản Bạ, Hà Giang. Bà Bình có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và được ông Hoài giúp nâng điểm.

Trả lời HĐXX, bà hiệu trưởng nói không rõ nguyên nhân vì sao con mình được nâng điểm: “Tôi khẳng định không nhờ anh Hoài nâng điểm cho con, có thể anh ấy nhớ nhầm. Tôi không rõ nguyên nhân, nhưng có một lần anh Hoài đi công tác huyện Yên Minh, trên đường về có ghé vào nhà hàng của tôi uống nước. Chúng tôi có nói chuyện, anh Hoài có thời gian công tác ở Yên Minh nên nói chuyện về gia đình, trong đó có việc con tôi năm nay thi THPT”.

Sau khi HĐXX chứng minh việc có nhờ Hoài tác động vào bài thi, bà Bình tiếp tục chối: “Nhà tôi trên vùng cao nguyên đá, khách ra vào nhà hàng rất đông nên không thể nhớ được. Thực ra hôm ấy anh Hoài ghé qua nhà hàng. Tôi đang đi quan hệ, thấy xe các anh ấy thì tôi vào nói chuyện thôi. Tôi nói cháu có nguyện vọng này nọ, nhưng đỗ trường nào thì học trường đấy, chứ không nhờ vả gì anh Hoài”.

Đối chất với bà Bình, bị cáo Hoài khẳng định bà Bình có nhờ nâng điểm cho con trong cuộc gặp tại nhà hàng. Tại đây, ông Hoài được bà Bình cung cấp thông tin thí sinh để ông Hoài thực hiện việc nâng điểm.

Ngoài nhân chứng Bình, nhân chứng Nguyễn Thị Kim Tuyến (công tác tại Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Hà Giang) cũng phủ nhận việc nhờ nâng điểm cho con. Tuy nhiên, ông Hoài khẳng định bà Tuyến có lên phòng làm việc của Hoài để nhờ vả Hoài.

Chiều nay, HĐXX sẽ công bố lời khai của các nhân chứng xin vắng mặt.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hà giangkỳ thi THPTnâng điểm thithi cử

Các tin liên quan đến bài viết