Sáng 9-10, tại tầng 2 khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có rất đông bệnh nhi nằm điều trị tay chân miệng. Tại phòng điều trị tích cực, một bệnh nhi 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 đang được lọc máu liên tục.
Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo số trẻ mắc tay chân miệng đã tăng gấp đôi trong tháng vừa qua. Điều đáng quan tâm là đã xuất hiện nhiều ca bệnh nặng cấp độ 3, 4 phải cấp cứu.
Suy tim, phù phổi cấp
Theo bác sĩ điều trị, trước đó, bệnh nhi 5 tuổi (đang lọc máu) có biểu hiện nôn ói, sốt 39 độ. Gia đình đưa bệnh nhi đến một bệnh viện tư điều trị nhưng vẫn còn sốt cao, giật mình nhiều lần. Ngày 6-10, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đêm 8-10, bệnh nhi sốt cao, kèm theo khó thở, tím tái, tay chân lạnh. Bác sĩ trực đánh giá bệnh nhi diễn tiến sốc, suy tim và phù phổi cấp (biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng).
Bệnh nhi được hồi sức tích cực với máy thở, truyền thuốc trợ tim và lọc máu liên tục, xét nghiệm cho thấy dương tính với virút tay chân miệng nhóm nặng (EV71).
Cùng ngày, ghi nhận tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đông hơn những tuần trước. Nhiều giường bệnh có đến 2-3 trẻ/giường.
Chị L.T.C.N. – mẹ bé N.N.L. (2 tuổi, Tiền Giang) – cho hay bé L. bị tăng huyết áp, thở nhanh do mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 3. Hiện bé đang được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 theo dõi và điều trị tích cực.
Tăng gấp đôi
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, BS Dư Tuấn Quy, phó trưởng khoa nhiễm – thần kinh, cho hay trong tháng 9 trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại khoa tăng gấp đôi so với tháng 8. Cụ thể, trong tháng 8 trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 20 ca nội trú thì tháng 9 lên đến 50 ca mỗi ngày.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ khoa nhiễm cho biết số trẻ đến khám và điều trị tay chân miệng trong tháng 9 cũng tăng gấp đôi so với tháng 8.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 9 số ca mắc tay chân miệng là 6.573 ca (bao gồm cả nội trú và ngoại trú), tăng gấp 2 lần so với tháng 8.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo đây là tháng cao điểm của bệnh tay chân miệng, bệnh rất dễ lây nhiễm nhưng lại chưa có văcxin phòng ngừa. Các phụ huynh đặc biệt lưu ý phòng ngừa cho các bé.
Chủ động ngừa bệnh bằng vệ sinh cá nhân
BS Phạm Thái Sơn – khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho hay bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi, chăm sóc trẻ bị tay chân miệng thật cẩn thận để phát hiện dấu hiệu nặng và biến chứng. Ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP – cũng lưu ý phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ nhằm cách ly, tránh bệnh lây lan cho trẻ khác.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường sốt, loét miệng, nổi hồng ban, mụn nước lòng bàn tay, bàn chân… Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái… thì cần nhập viện ngay bởi đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Để bảo vệ trẻ trước mùa dịch bệnh tay chân miệng, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng ngừa trẻ mắc bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà… Khi trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi trẻ chơi tập trung trong 10 -14 ngày đầu của bệnh.
Cẩn thận chủng virút EV71
Các bé mắc tay chân miệng được bác sĩ theo dõi sát qua từng cấp độ
Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, các bác sĩ điều trị khá nhiều ca mắc bệnh có chủng virút EV71, trong đó nhiều trường hợp nặng do chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2, đột ngột vô độ 3 sốc và suy hô hấp.
BS Huỳnh Hùng Dũng, trưởng khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cảnh báo trong 9 tháng đầu năm nay Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã chuyển viện 2 trường hợp bệnh diễn biến nặng. Vùng dịch tễ bệnh năm nay cũng không có thay đổi nhiều, khoảng 50% bệnh nhi mắc bệnh ở tại Cần Thơ, còn lại đến từ các tỉnh lân cận, đa số bệnh nhi mắc bệnh ở độ tuổi dưới 5.
“Chúng tôi luôn nhắc các y bác sĩ khám tư vấn rất kỹ cho người nhà, mặc dù trẻ mới bị độ 1 nổi bóng nước ở tay, chân thôi nhưng phải theo dõi kỹ diễn biến như lên sốt đột ngột, chân chới với, đi loạng choạng… phải kịp thời đến bệnh viện kiểm tra.
Mùa dịch năm nay đang có chiều hướng tăng cao hơn cả năm đỉnh điểm 2018, nhưng do có kinh nghiệm của đợt dịch năm vừa qua nên nhân viên y tế chủ động hơn. Nguyên nhân do mùa tựu trường vào tháng 9 năm nay kết hợp với diễn biến thời tiết mưa, nước ngập kéo dài, ô nhiễm môi trường kéo theo virút gây bệnh càng tăng (do virút gây bệnh là loại virút đường ruột dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, ăn uống).
Cảnh báo biến chứng nguy hiểm
BS Phạm Thái Sơn – khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết bệnh tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: biến chứng thần kinh khiến viêm não màng não, viêm thân não; biến chứng hô hấp tuần hoàn: tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng.
Chú ý các cấp độ
Cấp độ 1: chỉ có loét miệng và/hoặc tổn thương da.
Cấp độ 2 gồm:
– Cấp độ 2A: giật mình dưới 2 lần/30 phút, sốt trên 2 ngày hay sốt cao trên 39 độ C, nôn ói, lừ đừ…
– Cấp độ 2B: giật mình ≥ 2 lần/30 phút, sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt, run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, nuốt sặc, thay đổi giọng nói…
– Cấp độ 3: yếu liệt chi, liệt thần kinh sọ, co giật, rối loạn tri giác, hôn mơ.
– Cấp độ 4: suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp,trụy mạch.
Nguồn: tuoitre.vn