Tranh thủ lễ tết, sinh nhật để tặng quà, tiền, bất động sản; Lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tác động, tranh thủ, gây sức ép cho bản thân hoặc “cánh hẩu” vào được vị trí, chức vụ; Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích của bản thân để mặc cả… Đây là những biểu hiện cụ thể Bộ Chính trị chỉ rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cấm người thân can thiệp vào công tác cán bộ
Quy định này được áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Cụ thể, đó là những cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ (cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định về công tác cán bộ, nhân sự theo thẩm quyền là cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; Ban tổ chức của cấp uỷ, cơ quan tổ chức – cán bộ, cơ quan nội vụ, các cơ quan được giao phối hợp trong công tác đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định cán bộ) và những nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị phải thực hiện việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.
Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm UB kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, đơn vị.
Bộ Chính trị lệnh nghiêm cấm việc cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Người đứng đầu các cấp ủy, địa phương, đơn vị có trách nhiệm triệu tập đầy đủ, đúng thành phần theo quy định khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thoả đáng để tập thể thảo luận thật sự dân chủ. Những người này không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.
Một quy định khác được đưa ra, kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, người đứng đầu phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp.
Cán bộ tự giác không ứng cử, nhận đề bạt khi không đủ sức khỏe
Cán bộ tham mưu, đề xuất các vấn đề về nhân sự phải chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và tính chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự. Báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền về nhân sự và phương án nhân sự thuộc địa bàn được phân công theo dõi. Bị nghiêm cấm có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.
Đối với nhân sự, Quy định 205 buộc những người này phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ sơ lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định.
Tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khoẻ.
Đảng nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ.
Tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quy định 205 đều bị nghiêm cấm thực hiện những hành vi chạy chức, chạy quyền.
Cụ thể, Bộ Chính trị đã chỉ rõ 7 biểu hiện của hành vi này. Trước hết, đó là việc tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.
Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Theo Dân Trí