Từ đầu năm đến nay, tại khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 354 (Hà Nội) có tới 10% người nhập viện là do viêm tụy cấp (VTC) do uống rượu. Đặc biệt, có rất nhiều người bị suy đa tạng, suy hô hấp, trụy tim mạch…, một trường hợp đã tử vong.
Chết vì viêm tụy cấp do uống rượu
Bác sĩ khám cho người bệnh bị viêm tụy cấp may mắn thoát chết 

BS CKII Vũ Đức Chung, trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 354, cho biết sau nghỉ tết đến nay khoa đã điều trị cho 20 người bị VTC do uống rượu.

Lọc máu vẫn không cứu được
Ông Nguyễn Chí C. (sinh năm 1978, Hà Nội) đã bị VTC sau khi liên hoan uống rượu. Ông C. nhập viện vào trung tuần tháng 2 trong tình trạng trướng, đau bụng vùng trên rốn từ bờ sườn trái ra sau lưng, bí trung đại tiện. Ông C. đau dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn ra thức ăn dịch màu vàng, tiêu chảy, phân có lẫn máu, tổn thương gan thận nặng. Mặc dù ông C. được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng vẫn tử vong do suy hô hấp cấp nặng sau 5 ngày điều trị. Vào viện cùng ngày với ông C., ông Lâm Văn S. (sinh 1974, Hà Nội) cũng trong tình trạng thập tử nhất sinh, may mắn được cứu sống sau 1 tháng điều trị tích cực. Hiện tại khoa vẫn còn 7 người bệnh đang tiếp tục điều trị. BS CKII Vũ Đức Chung cho biết VTC là một quá trình viêm cấp tính của tạng thể, bệnh cảnh không chỉ dừng lại tổn thương viêm ở tụy, mà là một quá trình viêm hệ thống diễn biến tới suy đa tạng và tử vong.
Hầu hết do uống quá nhiều rượu
BS Chung cảnh báo trước đây bệnh VTC thường chỉ do giun chui ống mật, sỏi… thì nay hầu hết là do uống rượu bia. Những người bệnh nhập viện đều do uống quá nhiều rượu trong 1 lần hoặc uống nhiều lần trong ngày, uống liên tục trong nhiều ngày. Có nhiều người một năm phải nhập viện điều trị tới 7-8 lần VTC vì rượu. Nguyên nhân rượu bia gây VTC là do khi uống nhiều có thể gây hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy, đưa đến tắc nghẽn, cuối cùng gây ra VTC. Bệnh nhẹ, cấp cứu kịp thời, điều trị nội khoa có kết quả tốt. Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng… điều trị rất khó khăn. Đặc biệt, nếu viêm tụy nặng có nguy cơ hoại tử hoặc chảy máu trong tụy, hoại tử ổ tụy, nang giả tụy cấp tính, ápxe tụy…Người bệnh có thể bị sốc biểu hiện như: khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, tiểu ít, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, rối loạn thần kinh tâm thần, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, sốc và tử vong. Người bị VTC nặng dù được cứu sống vẫn để lại di chứng lâu dài: viêm tụy mãn, đái tháo đường, suy gan, suy thận…

Theo các nghiên cứu, tỉ lệ tử vong do suy đa tạng là từ 40-100%. Lọc máu liên tục là biện pháp được chứng minh có khả năng loại bớt các chất và yếu tố gây viêm, từ đó giảm quá trình viêm, giúp giảm biến chứng suy đa tạng và giảm tỉ lệ tử vong.
Tuần nào cũng có người bị viêm tụy cấp

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết hầu như tuần nào khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng điều trị người bệnh bị viêm tụy cấp có biến chứng tổn thương các cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, tụt huyết áp, suy thận cấp… Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp nhưng phần lớn người bị viêm tụy cấp điều trị tại khoa là do uống rượu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bác sĩbệnh viện 354bệnh viện Chợ Rẫykhoa nội tiêu hóalọc máutử vonguống rượuviêm tụy cấpVTC

Các tin liên quan đến bài viết