Đoàn thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tồn dư chất cấm tại cơ sở giết mổ An Hạ (Củ Chi). Kết quả xét nghiệm lô heo ở cơ sở này dương tính với chất cấm |
Người tiêu dùng luôn mong muốn mọi loại thực phẩm đều phải được kiểm soát, đảm bảo an toàn trước khi đến tay của họ. Tuy nhiên, có thực tế là đối với một số loại hàng hóa, cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đến phòng thí nghiệm xét nghiệm, khi phát hiện và xác định trong mẫu xét nghiệm đó có độc chất, không đảm bảo an toàn thì lô hàng hóa được lấy mẫu đã ra các chợ và vào bụng người tiêu dùng. Như vậy, thực phẩm bẩn, hàng hóa không đảm bảo chất lượng… đã không được ngăn chặn trước khi đến tay người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng TP nhìn nhận đây là vấn đề nan giải, biết rõ đây là thực tế rất ray rứt trong nhiều năm nay nhưng hiện chưa có lời giải khả thi, đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa cần tiêu thụ nhanh, không thể yêu cầu lưu kho lâu để kiểm tra hoặc chờ có kết quả xét nghiệm mẫu mới được buôn bán. Bà Chu Vân Hải – giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP) – cho biết khi phân tích mẫu bằng kit test (tạm gọi là que thử nhanh), nếu kết quả dương tính (với chỉ tiêu cần kiểm soát), thì cần phải lấy mẫu để xét nghiệm lại bằng kỹ thuật sắc ký định lượng, đảm bảo theo đúng chuẩn mực qui định. Mặt khác, phạm vi ứng dụng của các kit test nhanh còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu cần kiểm soát nên chưa đáp ứng được yêu cầu kịp thời gian phân tích, đồng thời gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP – muốn chặn thực phẩm bẩn phải dựa trên chứng lý, trong khi biện pháp test nhanh nói trên không phải là câu trả lời cuối cùng về chất lượng, mức độ an toàn… của mỗi lô sản phẩm cần kiểm tra. Bộ Y tế cũng chưa đưa biện pháp kiểm tra này vào danh mục được công nhận. Bà Lan cho rằng đây là cái vướng hiện nay. Phát biểu kết thúc cuộc giám sát, ông Phạm Đức Hải – phó chủ tịch HĐND TP.HCM – đề nghị các cơ quan chức năng TP áp dụng biện pháp kiểm tra nhanh (test nhanh) tại các chợ ở TP (hiện có khoảng 240 chợ), nhằm kiểm tra mức độ an toàn của thực phẩm. Theo ông Hải, ít nhất cũng phải nắm rõ được kết quả định tính qua test nhanh. Các phòng thí nghiệm cần có trách nhiệm báo cáo cơ quan chức năng về kết quả xét nghiệm mẫu để đưa ra các khuyến nghị về thực phẩm trong những trường hợp cần thiết.