Như Báo  đã đưa tin, tuần qua chỉ trong 4 ngày từ ngày 4 đến ngày 7-3, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của 5 doanh nghiệp (gồm 3 công ty có trụ sở chính tại Hà Nội, 2 công ty có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh). Thống kê của ngành chức năng cho thấy từ trước đến nay có khoảng 40 công ty đa cấp ở nước ta bị rút giấy phép hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về giấy phép theo quy định.

download

Hình minh họa

Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh có từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước và từng có thời điểm bùng nổ ở một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và sớm bị chính quyền, người tiêu dùng cũng như chính những nhân viên tham gia hệ thống bán hàng đa cấp tẩy chay, bởi không khó nhận ra tính chất “khó tin” của hình thức kinh doanh này, khi mà có vẻ ai cũng “được lợi”, nhưng thực tế thì ngược lại.

Tuy nhiên, khi xâm nhập vào Việt Nam, bán hàng đa cấp như “diều gặp gió” và bị biến tướng mạnh, gần như trở thành trò lừa đảo chứ không còn là một hình thức kinh doanh. Có quá nhiều ví dụ điển hình cho trò lừa đảo này ở khắp nơi, trong đó có Bình Phước và Báo Bình Phước cũng đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo, thậm chí có những vụ lừa đảo lên tới hàng ngàn tỷ đồng của hàng vạn người, đẩy hàng ngàn gia đình vào cảnh lao đao. Câu hỏi đặt ra là tại sao dường như cả xã hội đều đã biết rõ “bộ mặt thật” của bán hàng đa cấp, nhưng nó vẫn tồn tại và không ngừng vươn vòi bạch tuộc đến mọi thôn quê, các khu dân cư? Và để “giải bài toán” này phải bắt đầu từ đâu?

Trước hết, có lẽ nguồn gốc của nó là bởi văn hóa kinh doanh của số đông người Việt vốn rất kém, đặc biệt là đạo đức kinh doanh. Đó là kiểu kinh doanh chụp giật, chỉ vì cái lợi trước mắt và nhìn con đường ngắn hạn, hiếm có trường hợp đặt mục tiêu xây dựng uy tín, thương hiệu hàng trăm năm kể cả đối với những nhà kinh doanh cá nhân, nhỏ lẻ ở các nước trên thế giới. Ngay từ khi “khởi nghiệp”, người Việt thường cố tình làm ngơ, không để tâm đến vấn đề đạo đức kinh doanh và chỉ đặt hai chữ “lợi ích” của bản thân lên trên hết. Sự xói mòn đạo đức kinh doanh đã khiến họ sẵn sàng gạt bỏ sự trung thực trong sản xuất và giao thương. Và đó chính là mầm mống nảy sinh tất cả thủ đoạn gian dối để kiếm lời, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, lừa đảo người tiêu dùng.

Những mầm mống ấy đã “gặp gió” khi nắm bắt tâm lý – một trạng thái vô cùng tiêu cực và làm thụt lùi sự phát triển của xã hội, là thích “việc nhẹ lương cao”, thích “ngồi mát ăn bát vàng” của rất nhiều người. Điều đó không chỉ dẫn tới những “bi kịch đa cấp” vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh khi anh lừa gạt em, cháu lừa gạt chú, bạn bè lừa gạt nhau… mà nó còn phá hủy những giềng mối đạo đức khác trong xã hội.

Để loại bỏ được tâm lý “chờ sung rụng”, loại bỏ sở thích “không làm mà cũng có ăn”… cần có thời gian, cần phương tiện truyền thông quan tâm lên tiếng. Nhưng trước mắt, việc có thể làm được ngay là cơ quan chức năng siết chặt cơ sở, doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động rầm rộ, quảng cáo ấn tượng, màu sắc nổi bật ở những nơi đông người qua lại! Đó là đòi hỏi đầu tiên đối với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của cơ quan, của cán bộ quản lý!

Trần Phương

Từ khóa : bán hàng đa cấpkinh doanh đa cấp

Các tin liên quan đến bài viết