Thiếu tướng, GS –TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, dù sự kiện vịnh Bắc Bộ đã trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ nhưng giá trị về bài học rút ra của sự kiện này đến nay vẫn luôn giá trị.

bai hoc lon tu su kien vinh bac bo trong bao ve chu quyen lanh hai hinh anh 1

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (ảnh Vnexpress.net).

Trong bài trả lời phỏng vấn trước, Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã nói về điều tạo nên sự dấu ấn của Hải quân Việt Nam trong trận đầu và những điểm mới trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải hiện nay. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân tiếp tục chia sẻ về bài học từ sự kiện vịnh Bắc Bộ và đề xuất giải pháp trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo Thiếu tướng, sư kiện vịnh Bắc Bộ cách đây 55 năm đã để lại bài học quan trọng nào trong việc gìn giữ chủ quyền lãnh hải của chúng ta hiện nay?

– Theo tôi, bài học có nhiều, nhưng tập trung vào mấy bài học lớn: Cần tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển, cụ thể: Hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển;

Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước;

Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo;

Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực biển, đảo; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo.

Vấn đề lớn thứ hai là chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, cụ thể: Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế;

Lực lượng Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền biển đảo (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam).

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển;

Tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước lớn, các bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển, các nước có chung lợi ích trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế;

Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN. Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; đẩy mạnh tham gia nghiên cứu khoa học, khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên tại các vùng biển quốc tế;

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ ba, phát triển kinh tế biển bền vững, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Theo đó đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển;

Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, viễn dương; Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành kinh tế biển, bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng chính quy tiến thẳng lên hiện đại (ảnh Cảnh sát biển).

Những biện pháp và chiến lược chúng ta đề ra liệu đã đủ để đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển trong tương lai? Theo Thiếu tướng cần phải nhấn mạnh thêm những gì?

– Chiến lược đã đề ra đầy đủ và chúng ta cần nhấn mạnh một vài biện pháp. Trước hết, cần đảm bảo kết hợp trong xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế  biển với quốc phòng, an ninh.

Ở đâu có đất, có dân, có biển, đảo, ở đó phải có lực lượng quốc phòng, an ninh, phải có kế hoạch và phương tiện cần thiết để bảo vệ cuộc sống bình yên và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế biển với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự, thiết bị chiến trường… bảo đảm vừa phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; kết hợp xây dựng các cơ sở kinh tế biển vững mạnh, với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kĩ thuật và hậu phương vững chắc để sẵn sàng đối phó khi có xung đột, chiến tranh xâm lược.

Quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác cùng phát triển…

Cần tiếp tục tạo ra các đối tác đan xen lợi ích, (như chúng ta đang làm hiện nay taị bãi Tư Chính, có sự đan xen lợi ích giữa ta với Nhật, Ấn Độ…), chống sự lấn lướt của nước lớn, hạn chế âm mưu lấn chiếm biển đảo, tạo thế và lực để giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, phối hợp chặt chẽ các hoạt động đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực.

Chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, củng cố lực lượng dân quân biển, các hải đoàn tự vệ, các lực lượng chấp pháp (cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng…); kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta; làm nòng cốt cho phát triển kinh tế biển và tạo thế bảo vệ vững chắc các điểm, đảo đóng quân, nhà giàn DK1…  Hoàn thiện phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra, đủ sức canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo.

Tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển vững mạnh, nhất là Hải quân, Không quân, các Quân khu ven biển đủ sức hoàn thành chức năng, nhiệm vụ.

Chăm lo xây dựng lực lượng hoạt động trên biển, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quân đội và của từng Quân, Binh chủng trên biển;

Nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển để kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời mọi hoạt động xâm phạm, vi phạm vùng biển, đảo của ta.

Kiện toàn Hải quân, về tổ chức biên chế, theo hướng tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh; đồng thời, nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật tác chiến của Hải quân và các lực lượng vũ trang khác trên chiến trường biển, đảo một cách sáng tạo, linh hoạt để đánh thắng đối phương trong mọi tình huống.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “tinh, gọn, mạnh, có tính chuyên nghiệp cao”.

Phát triển dân quân biển thành lực lượng đấu tranh, gìn giữ chủ quyền trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng hiện nay, thưa Thiếu tướng?

– Đây là một trong những nội dung của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dân quân biển là một thành phần của lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Lực lượng này không những được trang bị phương tiện chắc chắn, hiện đại, mà còn cần được tổ chức, liên kết chặt chẽ, thông tin thông suốt, có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước; chính quyền cần khuyến khích sự tham gia của các nhà tài trợ cho hoạt động của Dân quân biển.

Liên quan đến vấn đề này địa phương cần chủ trì, phối hợp với Hải quân, Bộ đội Biên phòng có biện pháp quản lý khi ngư dân và tàu thuyền đánh cá xuất bến; ngăn chặn ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước láng giềng, nhằm góp phần giữ môi trường ổn định, triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển, đồng thời góp phần gỡ Việt Nam ra khỏi quy định áp “thẻ vàng” của EU…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, khi cần thiết, đưa ra cơ chế tài phán quốc tế. Lâu nay đối phương dựa vào “thuyết lịch sử” không có gì chứng minh rõ ràng. Trong khi thế giới văn minh đã có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chúng ta cần tận dụng lợi thế này.

Xin cảm ơn Thiếu tướng (!).

Theo Dân việt

Từ khóa : bài học sự kiện vịnh bắc bộbiển Đôngcảnh sát biểnchủ quyền biển đảođấu tranh trên biểnhải quân việt namlấn chiếm biển đôngthiếu tướng nguyễn hồng quântrung quocxâm lấn biển đông

Các tin liên quan đến bài viết