Hiện nay, chất lượng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh đang trở thành thảm họa đối với sức khỏe, sinh mạng người dân. Vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được sự quan tâm của xã hội. Sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chức năng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cụ thể bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Đặc biệt, đối với thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn đi đầu cả nước về những cách làm mới, hiệu quả trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỉnh Bình Phước thời gian qua cũng phát hiện nhiều vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Những vụ ngộ độc thực phẩm công nhân trong các khu công nghiệp đều xuất phát từ việc cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn. Ngày 25-8-2016, Sở Công thương tỉnh Bình Phước phối hợp với Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo triển khai Đề án quản lý nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn tỉnh. Đề án đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại đến bàn ăn. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất thịt heo khi tham gia vào đề án này sẽ được nhà nước hỗ trợ thông tin thị trường, hướng dẫn sử dụng giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và thịt heo; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, địa chỉ kinh doanh trên báo đài; ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống chợ đầu mối, các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và các bếp ăn tập thể… Ngày 18-1-2017, thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại một số siêu thị. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ sử dụng tem thông minh nhằm hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua ứng dụng của điện thoại di động. Người tiêu dùng khi mua thực phẩm (rau củ quả, thịt heo, gà…) có thể tải ứng dụng truy xuất nguồn gốc và kiểm tra trực tiếp trên thực phẩm khi mua tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh. Nhưng tiếc rằng, hiện đề án vẫn chưa thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Từ trước đến nay, mỗi đợt thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải có đoàn liên ngành gồm nhiều thành phần cùng đi. Để xóa tình trạng quản lý chồng chéo, không mang lại hiệu quả, từ ngày 6-3-2017, Ban quản lý An toàn thực phẩm của thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động. Đây là cơ quan thống nhất các đầu mối cùng chức năng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của các sở: Y tế, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Công thương. Mô hình thí điểm của thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện từ cuối năm 2016 và đang được kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý An toàn thực phẩm ra đời sẽ chấm dứt thực trạng “3 bộ cùng quản lý 1 mâm cơm” đã tồn tại lâu nay. Mô hình này được thực hiện thí điểm trong 3 năm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra cả nước.
Người dân tỉnh Bình Phước đang rất trông chờ ngành chức năng triển khai thực hiện theo đề án đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là cần theo dõi, học tập mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm của thành phố để triển khai trong thời gian sớm nhất. Đây là giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, để thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… không còn tồn tại trên thị trường.
Thanh Hà