Thật dễ dàng mua được những chai nước ngọt hay một gói bánh chỉ với giá từ 2.000-5.000 đồng ngay tại cổng trường học. Đây là “hiểm họa” khôn lường đối với sức khỏe học sinh, mà chính các bậc phụ huynh đang ngày ngày tiếp tay khi cho con tiền mua đồ ăn vặt.
TRÀN LAN THỰC PHẨM BẨN TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG
Thấy con đi học về cứ buồn buồn, hỏi ra mới biết con bị các bạn chê là không có tiền mua đồ ăn vặt trước cổng trường. Sau khi giải thích cho con hiểu về tác hại của những thức ăn, thức uống được bày bán trước cổng trường không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng thì con liền vui vẻ trở lại. Điều đó cũng khiến tôi giật mình nhớ lại mỗi chiều đón con đi học về vẫn thấy rất đông trẻ em quây quanh xe tạp hóa di động hoặc quán gần trường mua quà ăn vặt. Không biết các bậc phụ huynh hằng ngày cho con em mình tiền mua quà vặt trước cổng trường có quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm?
Học sinh tiểu học ăn quà vặt trước cổng trường diễn ra thường xuyên – Ảnh: K.B
Quan sát các hàng quán trước cổng trường học, tôi nhận thấy rất nhiều túi nhỏ, to với những chiếc kẹo mút, chai nước ngọt, ly trà sữa, trà thạch pha sẵn… được bày bán. Không ít phụ huynh khi nghe con đòi mua là hào phóng mở ngay “hầu bao”. Có thể, phụ huynh suy nghĩ 1.000-2.000 đồng có đáng gì, không cần phải “tính toán” với con. Nhưng điều đáng nói là những loại thực phẩm này đa số được người bán tự làm, tự đóng gói nên… vô thời hạn và nguồn gốc “không cần biết”. Bởi hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú, bắt mắt, đánh trúng thị hiếu của trẻ nhỏ nên được các em yêu thích.
Đứng chờ con ở cổng trường, tôi quan sát thấy một bé trai chừng 7 tuổi mua chai nước ngọt ở một tạp hóa di động lỉnh kỉnh nhiều túi hàng lớn nhỏ treo quanh những chiếc sào buộc ở yên xe máy. Một chai nước màu đỏ chừng 30ml được cậu bé nhanh chóng mở ra uống hết, sau đó bơm nước vào chai để biến thành súng bắn nước. Tiếp đó, một cậu bé khác lại chọn mua “quả trứng bất ngờ” (theo cách gọi của người bán hàng). Cô bán hàng bật mí, bên trong ngoài kẹo đủ màu sắc còn có thêm một món đồ chơi là con nhện, ôtô, khủng long dạ quang… để thu hút và gây tò mò cho bé. Đây là món hàng được nhiều bé nam thích. Nhưng quả trứng toàn chữ Trung Quốc nên có lẽ hiếm phụ huynh đọc được xuất xứ, hạn sử dụng và chất lượng thế nào?
CHUNG TAY ĐẨY LÙI THỰC PHẨM BẨN
Thấy một phụ huynh chờ con mua quà, tôi lân la bắt chuyện: “Chị cho cháu ăn như thế không sợ bị đau bụng sao?”. “Nó mè nheo lắm, đòi không cho là khóc mãi không chịu nín. Có vài ngàn ấy mà, cũng chưa thấy con bị đau bụng bao giờ” – chị trả lời. Đây cũng chính là câu trả lời cho việc tại sao những loại thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng lại bán chạy như vậy. Đã thế, chưa có chiến dịch truyền thông, hay cơ quan chức năng nào kiểm soát chất lượng thức ăn, đồ uống được bày bán công khai ở cổng trường học, vì vậy thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, len lỏi học đường.
Chiều theo ý con mua thực phẩm rẻ, bắt mắt, nhiều phụ huynh đã vô tình khuyến khích đưa thực phẩm bẩn vào trường học
Có lẽ, trong tâm lý các bà nội trợ thực phẩm bẩn chỉ liên quan đến rau, củ, quả có hóa chất; thịt, cá thừa chất tạo nạc, trứng không rõ nguồn gốc… Nhưng ít ai nghĩ rằng, đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh được bày bán công khai ở cổng trường học cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn; trong khi trẻ nhỏ có đường tiêu hóa còn yếu, dễ phản ứng với thực phẩm không an toàn. Trẻ nhỏ ăn phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhẹ sẽ bị tiêu chảy, ói mửa, nặng thì sốt cao, co giật, biến chứng và nguy cơ tử vong cao. Hơn nữa sự suy giảm thể lực là yếu tố ảnh hưởng lớn tới sức khỏe giống nòi.
Để thực phẩm bẩn không len lỏi vào học đường, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng thì cần có sự chung tay của các bậc phụ huynh. Nhà trường cũng cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng nhằm nhắc nhở các em không nên tùy tiện mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Chỉ khi các bậc phụ huynh “nói không với thực phẩm bẩn”, lựa chọn cho con em mình những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng thì mới triệt đường sống của thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.
Theo: TTO