Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, đến nay đã có trên 220 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi. Hơn 240 tấn lợn đã tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp đúng theo quy định.

Chôn lấp xác lợn chết tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, các hộ chăn nuôi lợn sẽ được hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Chính phủ đã ban hành. Theo đó, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại… có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ với mức 25.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt các loại và 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Riêng các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa thì được hỗ trợ 8.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt và 10.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Ngoài ra, để đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà được hỗ trợ với mức 500.000 đồng/con đến ngày 31/12/2019.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và đang gây thiệt hại cho nhiều nông dân chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy Bình Phước cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nuôi nhốt tập trung, tránh phát tán rộng dịch bệnh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 10/11 huyện, thị, thành phố (trừ thị xã Bình Long) với 222 hộ của 35 phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có dịch; số lợn phải tiêu hủy là 4.493 con.

* Ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát mạnh, chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang “gồng mình” chống dịch.

Báo cáo từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh, từ 30/5 – 19/7/2019, toàn tỉnh có 8 huyện gồm Bình Sơn, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tây Trà, Sơn Tây xuất hiện ổ dịch với 372 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Tổng đàn lợn mắc bệnh lên tới gần 3.000 con; buộc tiêu hủy 2.985 con với tổng trọng lượng hơn 140.800 kg.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh tiến hành lấy 450 mẫu tại các hộ chăn nuôi, điểm thu gom, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn để phục vụ cho công tác giám sát dịch bệnh.

Đồng thời, phân bổ 12.928 lít hóa chất cho các huyện để tiêu độc khử trùng chống dịch; chỉ đạo những địa phương xảy ra dịch tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý gọn ổ dịch còn trong diện hẹp, quản lý chặt cơ sở kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 62, tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Báo Tin Tức

Từ khóa : dịch tả lợn châu phiHộ chăn nuôi

Các tin liên quan đến bài viết