Khi bác sĩ tiến hành rửa ruột, dạ dày của bệnh nhân chảy ra chất dịch nồng và bốc khói ngay sau đó. Tiếng nổ vang lên, cô gái tử vong ngay trên bàn cấp cứu.
Theo Sina , vừa qua, tại miền Bắc Ấn Độ, một người phụ nữ 40 tuổi tên Sheela Devi được đưa đến bệnh viện Jawahar Lal Neruh Medical College trong tình trạng nôn mửa, ý thức mơ hồ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhận có thể bị ngộ độc thực phẩm hoặc thuốc độc. Người nhà cũng cho biết bệnh nhân đã uống thuốc nhưng không rõ tên.
Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành rửa ruột cho bệnh nhân. Khi nhân viên y tế vừa cho nước muối sinh lý vào dạ dày của bệnh nhân, một loại dịch màu nâu chảy ra kèm theo mùi khó chịu. Chất dịch này còn phát ra tia lửa điện và bốc khói nghi ngút. Trong chốc lát, phần đầu bệnh nhân phát nổ khiến bác sĩ không kịp phản ứng.
Dịch chảy ra từ miệng bệnh nhân bốc khói và phát nổ. Ảnh: Sina.
Theo clip được nhân chứng ghi lại, khói bốc lên nghi ngút, sau đó là tiếng nổ phát ra từ bệnh nhân. Hiện trường hỗn loạn, các bác sĩ đã không kịp trở tay để cứu bệnh nhân. Sheela chết trên bàn cấp cứu.
Bác sĩ Zaidi, người phụ trách trực tiếp trong ca cấp cứu, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng dẫn chất dịch trong dạ dày bằng nước muối sinh lý, tuy nhiên chất lạ đó đã bốc khói và nhanh chóng phát nổ. Chúng tôi đã không kịp cứu Sheela. Trong sự nghiệp y học, tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy. Tôi thực sự lấy làm tiếc”.
Chuyên gia nhận định chất lạ trong dạ dày của Sheela có thể là hợp chất hóa học nhôm Photphua (AlP). Chất này khi vào dạ dày đã kết hợp với axit tạo thành hợp chất dễ cháy. Khi chảy ra môi trường ngoài, chúng tiếp xúc với oxy nên có thể bắt cháy hay phát nổ. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Sheela vẫn phải đợi pháp y khám nghiệm.
Nhôm Photphua là chất hóa học có độc tính cao, trước đây được điều chế thành viên sau đó đốt lên xông những kho chứa lương thực để trừ mối mọt hay điều chế thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, do độc tính cao và gây chết người nếu ngửi phải nên nhôm Photphua đã bị chính phủ nhiều nước cấm dùng.
Tại khu vực Trung Đông và Tây Á, Ấn Độ, Iran, hợp chất này vẫn được sử dụng khá phổ biến và nhiều trường hợp tự tử đáng tiếc bằng nhôm Photphua đã xảy ra.
Theo News.zing.vn