Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước Phạm Thị Mai Hương cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước còn 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% trên tổng số hộ dân. Tổng số hộ cận nghèo: 6.617 hộ chiếm 2,73% trên tổng số hộ dân.
Trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số: 4.545 hộ chiếm 52,76% trên tổng số hộ nghèo; tổng số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: 1.481 hộ chiếm 17,20% trên tổng số hộ nghèo. Có 22 hộ nghèo có thành viên là người có công, chiếm 0,26% trên tổng số hộ nghèo. Tính đến ngày 10/6/2019, toàn tỉnh có 8 hộ nghèo phát sinh. Nguyên nhân phát sinh hộ nghèo rơi vào những hộ có thành viên là lao động chính trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo, hộ có đông người ăn theo, hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Phước đã thoát nghèo.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu, trong năm 2019 là giảm 0,5% tỷ hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,55% xuống còn 3,05 % theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang triển khai nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, Dự án Chương trình 135 có tổng kinh phí Trung ương phân bổ tỉnh Bình Phước là: 30,517 tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án. Tiểu dự án Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK và các thôn, bản đặc biệt khó khăn được ngân sách Trung ương bố trí: 24,838 tỷ đồng. Xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 1,3 tỷ đồng/xã, xã đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới được hỗ trợ 622 triệu đồng; Hỗ trợ thôn đặc biệt khó khăn 240 triệu đồng/thôn, thôn đặc biệt khó khăn của xã đã về đích nông thôn mới được hỗ trợ 150 triệu đồng/thôn.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với nguồn ngân sách Trung ương bố trí: 5,679 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Đồng thời thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí dự kiến giao: 1,1 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng 3 mô hình giảm nghèo “chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập; xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng; xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần thoát nghèo bền vững. Dự kiến, có 27 hộ nghèo tham gia Dự án.
Đồng thời, triển khai tiểu dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn với nguồn ngân sách trung ương bố trí: 684 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước đẩy mạnh triển khai truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Theo số liệu thống kê, Ngân hàng chính sách đã cho các người dân vay 308, 397 tỷ đồng. Trong đó: có 773 lượt hộ nghèo vay vốn với tiền 29,15 tỷ đồng; 991 lượt hộ cận nghèo vay 29,377 tỷ đồng; 1.394 lượt hộ mới thoát nghèo (dưới 3 năm) vay 54,701 tỷ đồng; 89 học sinh, sinh viên được vay với số tiền 1,877 tỷ đồng. Tỉnh Bình Phước đã mua và cấp phát 23.949 thẻ BHYT cho người nghèo; 78.118 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã thuộc vùng khó khăn; 72.299 thẻ BHYT cho người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; 8.858 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.
Theo kế hoạch, năm 2019 tỉnh Bình Phước sẽ hỗ trợ 28 căn nhà Tình thương. Trong 6 tháng đầu năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đã vận động xây dựng được 153 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 10,550 tỷ đồng (bao gồm nguồn đóng góp của hộ gia đình). Đến nay, đã thực hiện chi trả tiền điện cho hộ nghèo đầy đủ và kịp thời cho cho 8.614 hộ nghèo, với tổng kinh phí là 2,739 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2019, đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 7 người nghèo, 5 người dân tộc thiểu số được hỗ trợ trợ giúp pháp lý miễn phí.
Theo Dân sinh