Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cầu nối giữa khu vực miền Ðông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và nước bạn Cam-pu-chia. Với vị trí quan trọng này, Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới, trong đó tập trung cho một số dự án như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (KKT Hoa Lư); khu dự án điện mặt trời (ÐMT) trên vùng đất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế thấp; phát triển du lịch sinh thái kết hợp tâm linh.
Các dự án trên tuyến biên giới đang hình thành với quy mô lớn, góp phần tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phát huy thế mạnh từ cơ chế
Ðể khai thác vị trí chiến lược, Bình Phước đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và du lịch theo các trục chính: quốc lộ 13 kết nối TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và nước bạn Cam-pu-chia; trục quốc lộ 14 kết nối với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Trên tuyến biên giới huyện Lộc Ninh đã hình thành một khu kinh tế cửa khẩu rộng lớn với tổng diện tích 28.364 ha nằm trên địa bàn của năm xã, thị trấn và khu dự án ÐMT với diện tích hơn 2.000 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, so với 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia – Lào – Việt Nam, Bình Phước có điều kiện thuận lợi hơn cả về phát triển kinh tế. Hiện nay, từ Bình Phước di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng nước sâu như: cảng Ðồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải chỉ mất hơn hai giờ. Ngoài ra, Bình Phước được quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoa học; có lợi thế về đất đai; an ninh tốt… là môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài. Ðể thu hút nhà đầu tư đến với địa phương, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, Bình Phước tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, rút gọn thủ tục hành chính và ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư. Bình Phước đã ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, theo đó sẽ hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng; ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất; ưu đãi nhiều loại thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm thuế thu nhập DN, khấu hao tài sản cố định. Ngoài ra, Bình Phước cam kết hỗ trợ về cung cấp thông tin, tư vấn về thủ tục đầu tư, kinh doanh; quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ và làm việc với DN để giải quyết những vướng mắc, phát sinh khi thực hiện dự án. Nhờ đó, các dự án trên địa bàn tỉnh luôn đúng tiến độ, DN yên tâm đầu tư và làm ăn tại địa phương.
Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, tỉnh Bình Phước đang từng bước tạo ưu thế thu hút đầu tư theo hướng bền vững. Ðến nay, toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó hai KCN đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư là Khu liên hợp Becamex – Bình Phước tại địa bàn huyện Chơn Thành với tổng diện tích 4.633 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 20 nghìn tỷ đồng và KCN Minh Hưng – Sikico tại địa bàn huyện Hớn Quản có diện tích 655 ha với nguồn vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng. Các KCN trước đây như: Minh Hưng – Hàn Quốc (huyện Chơn Thành); Ðồng Xoài I, II (TP Ðồng Xoài) và Bắc Ðồng Phú (huyện Ðồng Phú) đến nay cơ bản đã được lấp đầy.
Những điểm sáng
Lộc Ninh là địa bàn phát triển kinh tế vùng biên tốt nhất của Bình Phước với ba dự án lớn: KKT Hoa Lư; dự án ÐMT và khu du lịch di tích, tâm linh, sinh thái Tà Thiết. Ðây được kỳ vọng là cú huých phát triển kinh tế huyện Lộc Ninh nói chung và vùng biên giới Bình Phước nói riêng. KKT Hoa Lư giáp Cam-pu-chia với diện tích quy hoạch 28.364 ha, có tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng được duyệt hơn 507 tỷ đồng. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Phước Nguyễn Minh Chiến cho biết: Ðến nay, Bình Phước đã hoàn thành các hạng mục ở khu kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông và mương thoát nước nội bộ. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 73 nhà đầu tư thực hiện dự án với diện tích 1.692 ha. Trong số đó, 31 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định trên diện tích 117 ha; 12 nhà đầu tư đang thực hiện dự án; số còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên KKT cửa khẩu, Bình Phước đang triển khai một số hạng mục hạ tầng như: Xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á (từ TP Hồ Chí Minh đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư); mở rộng tuyến quốc lộ 13 B; xây dựng cảng cạn…
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ÐMT trên vùng đất hiệu quả nông nghiệp thấp thuộc địa bàn huyện Lộc Ninh với quy mô 800 MWp. Ðây là vùng đất có cường độ bức xạ mặt trời cao so với những nơi khác, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh. Nắm bắt được điều này, ngay từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220kV Lộc Ninh – Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy ÐMT với hệ thống điện lưới quốc gia, dự kiến đến cuối năm 2019 hoàn thành. Công trình đi vào hoạt động sẽ bảo đảm dung lượng truyền tải hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng tối đa lên đến 1.200 MWp. Trong năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải tập trung xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy ÐMT, gồm: Lộc Ninh 1 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 2 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 3 công suất 150 MWp, Lộc Ninh 4 công suất 200 MWp. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành nhà máy ÐMT Lộc Ninh 5 công suất 50 MWp.
Một trong những dự án thắp sáng vùng biên được tỉnh Bình Phước đưa vào khai thác đầu năm 2019 trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh là khu du lịch di tích – tâm linh – sinh thái tại Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam (căn cứ Tà Thiết). Dự án được đầu tư hơn 300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa. Khu căn cứ Tà Thiết chính thức hoàn thành đã trở thành địa danh lịch sử, là điểm đến của nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Ðồng thời, công trình này cũng thể hiện quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước và các thế hệ cán bộ đã từng công tác, chiến đấu tại Khu di tích trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê của Phòng Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước), đến nay, số lượng khách du lịch đến tham quan căn cứ
Tà Thiết tăng gấp 10 lần so với trước đây.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân cho biết: KKT Hoa Lư, dự án ÐMT và căn cứ Tà Thiết đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch của huyện. Các dự án tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho địa phương, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch tại căn cứ Tà Thiết, cải thiện đời sống người dân. Nhằm thu hút các nhà đầu tư, huyện sẽ cung cấp thông tin tốt nhất về giao thông, đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như lực lượng lao động có chất lượng và bảo đảm môi trường an ninh trật tự.
Theo Nhân dân