Ông Đoàn Ngọc Hải từng nổi tiếng vì chiến dịch xuống đường, quyết “làm sạch” vỉa hè quận 1, TP.HCM. Ông lại tiếp tục nổi tiếng vì sau khi được điều chuyển từ vị trí Phó Chủ tịch quận 1 về làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng một thành viên Sài Gòn, ông đã đệ đơn từ chức ngay.

Có nhiều luồng quan điểm khác nhau về lá đơn từ chức lần này của ông. Người thì bảo từ chức như thế là không tuân thủ sự sắp xếp nhân sự của tổ chức, và ở một góc độ nào đó thậm chí còn phải bị xem xét kỷ luật. Người lại bảo ông đã tuân thủ sự sắp xếp ấy rồi, bằng chứng là đã nhận chức rồi mới từ chức, chứ không kiên quyết chống lại quyết định sắp xếp nhân sự của tổ chức ngay từ đầu.

la don tu chuc cua ong doan ngoc hai: dau hoi gia tri con nguoi hinh anh 1

Ông Đoàn Ngọc Hải nhận nhiệm vụ buổi sáng, buổi chiều lại xin từ chức. Ảnh: TL

Ngay cả cái lý do sâu xa dẫn đến việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải cũng được nhìn nhận từ nhiều quan điểm. Một bộ phận bảo, hơn ai hết, ông hiểu đơn vị công tác mới của mình đang gặp bộn bề khó khăn, và nếu nhắm mắt nhận việc sẽ lún vào khó khăn, có ngày thân bại danh liệt cũng chưa biết chừng. Một luồng ý kiến khác lại nói, ông không muốn rời quận 1 vì vẫn đang dang dở những kế hoạch và chưa trả xong những món “nợ” với người dân quận 1.

Bản thân ông Đoàn Ngọc Hải khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng thể hiện vẫn rất nặng tình với cái địa bàn ruột, gắn bó với mình nhiều năm. “Khi viết đơn xin từ chức, tôi cũng có chia sẻ rằng phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có “máu mặt”, và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy?” – ông Hải nói.

Có cảm giác như cái mệnh đề “lợi ích của của nhiều người có “máu mặt” là một nỗi ám ảnh dai dẳng” trong lòng ông. Bởi trước đó, trong lần đệ đơn từ chức ở quận 1 (lần từ chức đầu tiên) ông cũng bóng gió nói đến điều này, và cho rằng chính vì điều này mà mình không thể hoàn thành lới hứa với người dân. Nhưng rồi sau đó, do nhận được nhiều lời động viên nên ông quyết định rút đơn từ chức, tiếp tục gắn bó với quận 1 cho đến lần… từ chức thứ hai.

la don tu chuc cua ong doan ngoc hai: dau hoi gia tri con nguoi hinh anh 2

Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần dẫn đầu đoàn liên ngành ra quân lập lại trật tự lòng lề đường vào tháng 8/2017.

Rốt cuộc thì lý do thực sự nào khiến ông Hải từ chức rồi lại rút đơn từ chức (lần 1)? Và lý do thực sự nào khiến ông lại từ chức (lần 2) ngay sau khi vừa nhậm chức? Chỉ những người trong cuộc như ông Hải cùng những người liên quan mới biết chính xác câu trả lời. Mọi nhìn nhận, phán xét, đánh giá bên ngoài đều rất dễ có nguy cơ phiến diện, sai bản chất.

Tuy nhiên ở góc độ “hiện tượng luận” mà soi xét, ít nhất cái lý do từ chức (lần 2) của ông cũng nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Bởi cũng trong lá đơn từ chức (lần 2), ông viết rằng: “Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm tổn thường đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân”.

Sở dĩ người ta dễ đồng cảm với những giải thích này là vì trước đấy người ta đã chứng kiến rất nhiều cán bộ sẵn sàng nhận những nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn, miễn là nhiệm vụ ấy oách hơn và “nhiều màu” hơn. Mà không chỉ là “sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, đâu đó còn có tình trạng làm đủ mọi cách, chạy đủ mọi cửa, mất đủ loại tiền để nhất quyết có được nhiệm vụ mình mong muốn.

Với những trường hợp này, bản chất vấn đề nằm ở “điều mình muốn”, chứ không nằm ở “năng lực mình có”. Và khi “điều mình muốn” càng ngày càng tỷ lệ nghịch với “năng lực mình có” thì dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo, làm ăn bết bát, để rồi sau đó mang hoạ vào thân. Cứ nhìn lại những phiên toà xét xử các cựu quan chức tham ô, tham nhũng, quản lý, làm ăn thiếu trách nhiệm mà xem – khi đứng trước vành móng ngựa phần lớn đều lý giải mọi chuyện bằng lý do: “Năng lực cá nhân yếu kém”.

Có phải đợi đến lúc đứng trước vành mong ngựa người ta mới thực sự nhận ra “do năng lực yếu kém” hay không? Trong một guồng máy, nếu mỗi mắt xích đều luôn thường trực một ý thức về năng lực cá nhân thì guồng máy ấy sẽ duy trì được phẩm chất tự trọng phải có của mình. Ngược lại, trong một guồng máy mà ý thức về năng lực bị ý thức về tham vọng đánh chìm, để rồi khi “có chuyện” lại quay ra đổ lỗi cho “năng lực yếu kém” thì guồng máy ấy không thể vận hành một cách công minh.

Văn hoá phương Đông khi bàn về hình mẫu người quân tử luôn đặt yếu tố “biết mình là ai” lên đầu. Người quân tử nhất định phải biết mình là ai, từ đó biết nhận những cái vốn thuộc về mình và biết từ chối những cái không phải của mình. Thành thử văn hoá phương Đông có không biết bao nhiêu truyền thuyết về những bậc chính nhân quân tử luôn bình thản khước từ những lời mời quyền lực của các bậc đế vương.

Chẳng hạn như câu chuyện vua Nghiêu sau khi biết Hứa Do là một đại hiền tài liền đến gặp Hứa Do, truyền ngôi báu. Ai ngờ Hứa Do đáp lại: “Tôi cần ngôi vua để làm gì?”. Hứa Do không cần làm vua, vì biết vua không phải là vị thế phù hợp với mình. Thái tử Tất Đạt Đa ở thành Ca Tỳ La Vệ thuộc Ấn Độ cổ xưa cũng vậy. Ngôi vua đã dành sẵn cho ngài, thế mà cuối cùng ngài nhất nhất khước từ, vì hơn ai hết, ngài hiểu giá trị cuộc đời mình thực sự nằm ở đâu.

la don tu chuc cua ong doan ngoc hai: dau hoi gia tri con nguoi hinh anh 3

Ông Đoàn Ngọc Hải cùng đoàn liên ngành kiểm tra phòng chống cháy nổ ở chợ Gà – Gạo vào năm 2018.

Nguyên nhân khiến một người có thể từ chối tiền tài, địa vị hay chức tước xét cho cùng nằm ở việc người ấy phải định hình được giá trị cuộc đời mình. Nếu không định hình được giá trị cuộc đời mình, không tìm được lý tưởng sống thực sự của mình thì chắc chắn sẽ bị cái dòng xoáy vật chất và quyền lực cuốn đi.

Ông Nguyễn Sự ở Hội An ngày nào, người đã có 20 năm làm Bí thư và Chủ tịch Hội An, người đã có những cơ hội ngồi lên những cái ghế cao hơn, thế mà rốt cuộc vẫn chỉ ngồi nguyên cái ghế từng ngồi bao năm. Ông giải thích với báo chí: “Tầm của tôi có thể làm tốt ở một địa phương như Hội An. Lên nữa có khi lại ngang phá hoại”.

Có thể ông Nguyễn Sự nói thật, mà cũng có thể ông khiêm tốn, nhưng bất luận thế nào, ông cũng chứng tỏ mình hiểu rất rõ giá trị của cuộc đời ông. Sau này ông Nguyễn Sự xin về hưu sớm. Khi những người không hiểu ông bàn ra tán vào, vì chỉ quen giải mã các sự vật hiện tại bằng những hệ quy chiếu bình thường của thời đại thì ông Nguyễn Sự lại nói những điều “bất thường”, rằng: “Tuổi tôi giờ cũng đã lớn, không còn xông xáo được như trước. Mà tôi còn ngồi vị trí Bí thư thì cứ như cây đa, cây đề vô hình trung tạo thành cái bóng quá lớn khiến anh em kế cận không phát triển được tài năng. Anh em ngại nói ra những điều mới thì cũng làm lụi đi những tư duy mới, táo bạo để phát triển Hội An. Chưa kể đến việc tôi còn ngồi vị trí này cũng khiến nhiều anh em dựa dẫm, tạo thành tính ỷ lại, như thế là không tốt. Chính vì những lẽ đó tôi quyết định về hưu sớm”.

Chủ động rời quyền chức thay vì cố bám quyền chức, chủ động từ chối quyền chức thay vì làm đủ mọi thủ đoạn để có được quyền chức, đấy là những hành động chắc chắn chỉ có ở những người thực sự hiểu mình cần theo đuổi những giá trị nào trong cuộc sống. Bi kịch nhất là khi người ta không biết mình thực sự cần gì và phù hợp với cái gì. Để rồi khi phải trả giá vì những cái mà mình tưởng là cần, mới chợt nhận ra đó là những điều hư vô.

Với lá đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, như đã nói, không dễ kết luận một cách tường minh xem lý do thực sự của nó nằm ở đâu. Nhưng từ những chia sẻ của ông, chúng ta chợt có những suy ngẫm về chân giá trị của mỗi con người trong cuộc sống. Có thể ông Hải biết chắc rằng giá trị của mình nằm ở những lần xuống đường “dẹp loạn”, cho nên bất chấp việc được/bị điều chuyển tới nơi cao hơn hay thấp hơn, ông cũng không thoả mãn.

Còn với mỗi chúng ta, chứng kiến hành động từ chức vì của ông, chúng ta lại có thêm một lần lục vấn chính mình: Rốt cuộc giá trị thực sự của bản thân nằm ở đâu?

Từ khóa : làm sạch vỉa hèlập lại trật tự lòng lề đườngông Đoàn Ngọc Hảiông Đoàn Ngọc Hải từ chứcThứ 7 với Phan Đăng

Các tin liên quan đến bài viết