Hiện bệnh cúm gia cầm A(H5N1) ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nam bộ và Campuchia, đồng thời dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến rất phức tạp, có khả năng xâm nhập cao vào đàn gia cầm trong nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Phóng viên Báo Bình Phước trao đổi với ông Trần Văn Phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm chuyển tải đến người chăn nuôi và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về tình hình dịch cúm, cũng như phương pháp phòng dịch bệnh.
Xin ông cho biết tình hình chăn nuôi gia cầm trong tỉnh và công tác phòng, chống dịch ở các trang trại chăn nuôi tập trung cũng như nhỏ lẻ trên địa bàn?
Ông Trần Văn Phương: Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay là 4.772.000 con, tăng 392.000 so với cùng kỳ. Có 79 trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung, chiếm 77,22% đàn gia cầm toàn tỉnh, còn chăn nuôi nhỏ lẻ có hơn 1 triệu con. Hầu hết chủ trang trại chăn nuôi tập trung đều thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo quy định, có 40/79 trang trại đạt cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Riêng chăn nuôi nhỏ lẻ còn theo phương pháp truyền thống, kỹ thuật và phòng bệnh chưa được thường xuyên.
Gia cầm bày bán ngoài chợ phải qua kiểm dịch và kiểm soát giết mổ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng
Trong tình hình dịch bệnh gia cầm cúm A(H7N9) diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, gây tử vong nhiều người, có nguy cơ xâm nhập đàn gia cầm trong nước, ngoài kế hoạch phòng, chống bệnh từ đầu năm, căn cứ chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, nhanh chóng thực hiện các đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt, giảm mật độ các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Bình Phước giáp biên giới với một số tỉnh của Campuchia – nơi đang có dịch cúm gia cầm, công tác phòng chống dịch trên tuyến biên giới của tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Phương: Hiện nay, Trạm kiểm dịch động vật tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) đang hoạt động theo sự ủy quyền của Cục Thú y, chưa cho xuất, nhập động vật qua cửa khẩu. Động vật (chủ yếu là trâu, bò) được dẫn dắt qua các cửa mở, lối mòn dọc biên giới luôn có nguy cơ cao mang theo mầm bệnh. Để phòng chống dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, chi cục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra của đội kiểm tra liên ngành, nhất là tại các huyện biên giới nhằm kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào tỉnh.
Bình Phước là cửa ngõ tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, kiểm dịch gia cầm vào tỉnh, nhất là các tuyến giao thông chính như ĐT741 và quốc lộ 13, 14 được ngành thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Phương: Chi cục đã thực hiện các biện pháp, trong đó chỉ đạo trạm chăn nuôi – thú y các huyện, thị xã kiểm dịch gia cầm vận chuyển xuất tỉnh theo quy định, như: Kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm, niêm phong, hướng dẫn chủ hàng tiêu độc khử trùng phương tiện, cấp giấy kiểm dịch và thông báo cho cơ quan kiểm dịch địa phương nơi động vật đến. Chi cục đặc biệt chỉ đạo 2 trạm kiểm dịch động vật Tân Lập trên tuyến ĐT741 và Chơn Thành trên quốc lộ 13 trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật quá cảnh, xuất – nhập tỉnh.
Ngành đã làm gì để kiểm tra, kiểm soát tốt việc trao đổi, mua bán, giết mổ gia cầm sống ở các chợ hiện nay?
Ông Trần Văn Phương: Các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh luôn được bố trí nhân viên kiểm soát giết mổ trực để kiểm tra lâm sàng gia cầm sống trước khi giết mổ, kiểm soát quá trình giết mổ để cung cấp sản phẩm gia cầm an toàn. Các trạm tăng cường kiểm tra tại cơ sở giết mổ gia cầm và phối hợp với lực lượng liên ngành, ban quản lý chợ kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y quầy sạp kinh doanh thịt gia cầm, gia cầm phải có giấy kiểm soát giết mổ.
Đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Đồng Xoài kiểm tra quầy bán thịt gia súc, gia cầm tại chợ Đồng Xoài – Ảnh: K.Phụng
Theo ông, những khó khăn gì đang đặt ra trong công tác phòng, chống dịch ở Bình Phước?
Ông Trần Văn Phương: Địa bàn rộng, đường biên giới dài, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ không lớn nhưng trải đều khắp địa bàn, ý thức người chăn nuôi còn thấp vẫn là những khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới. Song khó khăn lớn nhất của ngành là năng lực chẩn đoán, xét nghiệm để phát hiện dịch bệnh. Chẩn đoán, xét nghiệm hỗ trợ đặc biệt quan trọng trong quản lý dịch bệnh. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cơ bản cho công tác chẩn đoán, xét nghiệm còn rất hạn chế, đặc biệt là kinh phí mua trang thiết bị.
Xin ông cho biết ngành có khuyến cáo gì với người chăn nuôi trong phòng ngừa bệnh cúm khi tiếp xúc với gia cầm và người tiêu dùng khi chọn thực phẩm tươi sống là gia cầm, sản phẩm gia cầm?
Ông Trần Văn Phương: Đối với người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đúng quy định, định kỳ phun tiêu độc sát trùng chuồng trại, theo dõi giám sát đàn gia cầm khi có các biểu hiện như bỏ ăn, tiêu chảy, biểu hiện thần kinh, chết bất thường… phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền để kịp thời xử lý; sử dụng bảo hộ (quần, áo, găng tay, nón, ủng, khẩu trang, mắt kính sạch, vô trùng) khi tiếp xúc với đàn gia cầm; vệ sinh cá nhân, rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với gia cầm. Đối với người tiêu dùng, hạn chế tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết; lựa chọn cơ sở buôn bán uy tín; chỉ sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm soát trước khi giết mổ, đóng gói; vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: BPO