Năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vượt mốc 100.000 tỷ đồng về doanh thu. Lợi nhuận lên tới gần 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 64% so với năm liền trước. Trong năm 2018, tập đoàn này xuất khẩu 1,9 triệu tấn than mang về gần 5.700 tỷ doanh thu.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với tổng doanh thu thuần lên đến 103.081 tỷ đồng, tăng tới 30% so với năm 2017. Năm 2017, doanh thu thuần của TKV xấp xỉ 80.000 tỷ đồng.
Doanh thu trăm nghìn tỷ, lợi nhuận tăng 64%
Về cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh than tiếp tục là trụ cột của TKV khi chiếm tỷ trọng 64% tổng doanh thu thuần. Kế đến là mảng kinh doanh khoáng sản với tỷ trọng 17%; mảng sản xuất điện với tỷ trọng 11%; mảng kinh doanh vật liệu nổ với tỷ trọng 3%. Còn lại là các hoạt động khác.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của TKV đạt 19.211 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.
Trong năm, TKV ghi nhận gần 800 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng hơn gấp đôi so với con số 364 tỷ đồng của năm liền trước. Trong khi đó, chi phí tài chính điều chỉnh nhẹ từ mức 5.369 tỷ lên 5.985 tỷ đồng. Riêng chí phí lãi vay chiếm khoảng 77% chi phí tài chính, giảm hơn 200 tỷ so với năm trước.
Trong kỳ, TKV cũng ghi nhận 3.818 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 23%; đồng thời ghi nhận 5.068 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 15%.
Với những biến động trên, lợi nhuận trước thuế của TKV đạt 4.998 tỷ đồng, tăng tới 64% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 3.851 tỷ đồng, trong khi năm 2017 đạt 2.495 tỷ.
Báo cáo tài chính của TKV cũng cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TKV đạt 129.177 tỷ đồng, giảm 8% sau một năm. Phần lớn tài sản của TKV tập trung ở tài sản cố định với 77.540 tỷ đồng, hàng tồn kho với 12.300 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 11.268 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn (chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang) với 10.812 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của TKV đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 41.090 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối gần 2.000 tỷ đồng.
Nợ phải trả ở mức 88.087 tỷ đồng, giảm 11%. Tổng nợ vay và thuê tài chính ở mức trên 60.000 tỷ đồng, giảm 22%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn trên 15.000 tỷ đồng, nợ vay và thuê tài chính dài hạn gần 46.000 tỷ giảm từ mức 56.000 tỷ của so với đầu năm.
Sáp nhập, hợp nhất, thoái vốn tại một loạt công ty con
Theo báo cáo tài chính của TKV, trong năm 2018, thực hiện đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, TKV cho biết đã sáp nhập Công ty Than Hồng Thái – TKV vào Công ty Than Uông Bí – TKV kể từ ngày 1/1/2018. Sáp nhập Công ty Kho vận Hòn Gai – Vinacomin vào Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin kể từ ngày 1/1/2018.
Đồng thời, chấm dứt hoạt động Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 – Vinacomin, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lô II – TKV và thành lập Công ty xây lắp mỏ – TKV trên cơ sở hợp nhất 2 công ty này kể từ ngày 1/1/2018.
TKV cũng đã thoái vốn và chuyển đổi Công ty cổ phần Đại lý hàng hải – TKV từ công ty con thành công ty liên kết từ ngày 1/3/2018; chuyển đổi Công ty cổ phần than Miền Nam – Vinacomin từ công ty con thành công ty liên kết từ ngày 1/8/2018.
Ngoài ra, TKV cũng thoái vốn và chuyển đổi Công ty cổ phần Đầu tư nhà và hạ tầng – TKV từ công ty con thành công ty liên kết từ ngày 1/12/2018; chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và không còn nắm giữ vốn điều lệ tại Công ty cổ phần vận tải thủy – Vinacomin từ ngày 1/12/2018 .
Theo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được Thủ tướng ban hành, TKV sẽ phải tiến hành cổ phần hóa trong năm nay.
Kêu thiếu than nhưng vẫn xuất khẩu?
Tại báo cáo tài chính của TKV, năm 218, TKV xuất khẩu gần 1,9 triệu tấn than, tăng so với mức 1,5 triệu tấn của năm 2017 với doanh thu gần 5.700 tỷ. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước là trên 37 tấn, cùng kỳ năm liền trước là 28 tấn.
Trong năm 2018, tình trạng thiếu than cho nhà máy nhiệt điện đã không ít lần được phản ánh. Tuy nhiên, theo TKV, Theo lãnh đạo Tập đoàn than cho biết năm 2018 nhu cầu tiêu thụ tăng cao dẫn tới sự thay đổi cung – cầu. Bên cạnh đó giá than thế giới cao hơn so với than trong nước từ 5 – 10 USD/tấn dẫn tới các hộ tiêu thụ như điện, xi măng, hóa chất… chuyển sang mua than tăng mạnh.
Chưa kể, một nguyên nhân nữa chính là các nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than, cùng một thời điểm nên gây ra khó khăn nhất định cho TKV trong việc huy động nguồn than để cung cấp.
Trong bối cảnh ngành điện đang “kêu” thiếu than cho sản xuất điện thì Bộ Công thương tiếp tục bảo lưu quan điểm, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB) xuất khẩu 2,05 triệu tấn than trong năm 2019.
Theo Dân việt