Cuộc hôn nhân rạn vỡ, Loan trở thành một người phụ nữ tính toán và thù hận. Trước tòa, cô liệt kê cả chiếc bình đựng nước, ti vi hỏng và 2 chiếc cờ lê, mỏ lết đã cũ để phân định tài sản với chồng…
Đó là người vợ trong vụ ly hôn mà ông Nguyễn Ngọc Liên đã tham gia phân xử khi còn là thẩm phán tại một tòa án ở Hà Nội. Vụ việc xảy ra đã lâu nhưng những chi tiết liên quan đến cặp vợ chồng Loan – Nhân này, ông Liên nhớ rõ mồn một.
‘Một phần vì tôi có thói quen ghi chép những vụ án mà mình tham gia xét xử, phần khác, tôi bị ấn tượng bởi câu chuyện mà họ mang đến tòa’, ông Liên nói và bắt đầu nhớ lại vụ việc.
Vụ ly hôn của Nhân và Loan xảy ra khá lâu nhưng ông Liên cho biết, ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết.
Theo ông Liên, cặp đôi có sự chênh lệch về ngoại hình. Nhân cao gầy làm nghề sửa xe còn cô vợ tên Loan thấp, béo, làm nội trợ. Trước khi đến với nhau, Loan đã ngoài 30 tuổi mà chưa có người hò hẹn.
‘Loan kể với chúng tôi, được Nhân để ý, Loan lập tức xiêu lòng. Lúc đi chơi với nhau trước khi cưới, cô ấy thấy Nhân đứng đắn. Đã xác định chuyện trăm năm nhưng anh ta chưa một lần tò mò, muốn đi quá giới hạn với bạn gái’, ông Liên kể.
Một lần, Loan cố thử ý bạn trai. Đi chơi, cô mặc một bộ đồ gợi cảm và rủ anh vào nhà nghỉ. Nhân không từ chối. Tuy nhiên, ở nhà nghỉ, Nhân nói với Loan, sẽ giữ sự trong trắng cho cô đến đêm tân hôn. Sau đó, anh nằm xem tivi còn Loan mỉm cười hài lòng về người chồng sắp cưới.
Nào ngờ, đám cưới xong, Nhân say rượu nên đêm tân hôn của họ bị gác lại. Đến đêm thứ 2, thứ 3, mặc cho Loan chờ đợi, Nhân vẫn dửng dưng, tìm mọi cách để thoái thác chuyện vợ chồng.
‘Khoảng 10 ngày như vậy, cô vợ thấy có điều gì đó không ổn nên hỏi thẳng chồng. Anh chồng mới thú nhận, đã bị hỏng chức năng đàn ông …’, ông Liên nhớ lại lời cô vợ kể.
Nghe từng lời của chồng, Loan rơi vào hố sâu tuyệt vọng, nhưng cô không dám nghĩ đến việc ly hôn.
Sau 5 năm không động phòng, Loan mạnh dạn xin phép chồng, ra ngoài ‘xin’ một đứa con. ‘Nhân không đồng ý. Từ đó, anh trở thành người ghen tuông quá mức khiến cuộc sống hôn nhân của họ càng ngày càng thêm bế tắc. Cuối cùng, không thể chịu đựng, người vợ quyết định đứng đơn ly hôn’, vị nguyên thẩm phán sinh năm 1948 kể.
Ông nói, trước tòa, Loan muốn được chia tài sản là căn nhà 2 tầng ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), nơi hai vợ chồng đang ở. Thế nhưng, sau khi xem xét, nhận thấy căn nhà là tài sản của Nhân, được hình thành trước khi anh cưới vợ, tòa án đã bác bỏ yêu cầu của chị Loan.
‘Không được chia căn nhà, Loan bức xúc. Tất cả nồi niêu xoong chảo, đồ dùng, cô ấy liệt kê hết để phân chia với chồng.
Khi bản án ly hôn được tuyên, những tài sản chung của hai vợ chồng cũng đã chia đôi, người chồng còn đồng ý hỗ trợ vợ 6 tháng tiền thuê nhà để ổn định cuộc sống thì Loan bất ngờ đòi xử lại.
‘Người vợ ấy cho rằng, trong số tài sản cô và chồng đã liệt kê, thiếu 1 bình nước, 2 chiếc cờ lê, một chiếc tivi đen trắng đã hỏng để góc nhà. Cô ấy cũng nói, khi tình nghĩa đã không còn thì chổi cùn rế rách cũng phải chia’, ông Liên nhớ lại vụ việc.
Sau đó, trong thời gian làm thẩm phán, ông Liên cũng gặp một vụ ly hôn khiến ông đau đầu.
Ông kể, người chồng nghiện bia, rượu. Mỗi lần uống say, anh ta đều chửi bới đánh đập vợ con. Người vợ chịu đựng 12 năm, cuối cùng làm đơn ly hôn.
‘Có lẽ anh ta không muốn ly hôn nên không xuất hiện tại tòa. Nữ thư ký tòa đến tống đạt, triệu tập thì anh ta giở giọng trêu ghẹo : ‘Em phải lấy anh thì anh mới lên tòa ly hôn với vợ’, vị nguyên thẩm phán sinh năm 1948 nhớ lại.
Cuối cùng, sau 2 lần triệu tập không thành công, ông Liên cho biết, ông đã ra quyết định xét xử vắng mặt, công nhận ly hôn cho hai vợ chồng này.
Ông Liên cho rằng, trong hàng nghìn vụ ly hôn mà ông đã xét xử, có rất nhiều vụ, ông ra sức khuyên hai vợ chồng nên hàn gắn. Nhưng cũng có nhiều vụ việc, khi tiếp cận hồ sơ, ông nghĩ, việc ly hôn là giải thoát cho cả hai vợ chồng thì ông sẽ nhanh chóng giải quyết theo trình tự pháp luật.
Theo Minh Anh – Huy Hùng /Vietnamnet