Về mức thu phí hiện nay, theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, là hợp lý, đúng quy định.

Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp Bình Phước về thực trạng các trạm thu phí BOT dày đặc trên tuyến đường ĐT741, trao đổi với Đất Việt, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, vấn đề trạm thu phí BOT đã được nêu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Về phía Bình Phước, UBND tỉnh đã rà soát, làm việc với doanh nghiệp nhiều lần nhưng theo bà Tôn Ngọc Hạnh, có lẽ còn doanh nghiệp chưa thông. Còn thực tế, khi bà đi tiếp xúc cử tri, người dân cũng hỏi về vấn đề trạm thu phí BOT nhưng sau khi các đại biểu và cơ quan chức năng giải trình, người dân rất đồng thuận.

“Tỉnh đang muốn đề xuất chính sách miễn giảm cho người dân ở gần trạm thu phí, mức độ miễn giảm thế nào có thể tùy theo cự li. Riêng các doanh nghiệp từng chia sẻ rằng nên giảm cho họ nhiều hơn khi mua vé tháng hay quý.

UBND tỉnh vẫn đang ráo riết giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Trước đó, tỉnh đã tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến trạm thu phí, đồng thời HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh đã đi giám sát, trong đó tôi cũng tham gia và đặt vấn đề với UBND tỉnh.

UBND tỉnh đã giải trình căn cứ pháp lý và cho biết các nội dung đều xin ý kiến Bộ GTVT, không phải tự dưng tỉnh đặt ra”, bà Tôn Ngọc Hạnh nói.

Theo giải trình, các dự án BOT trên ĐT741 được thực hiện đầu tư theo Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ ban hành quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan, giai đoạn này chưa có quy định về khoảng cách đặt trạm thu phí.

Do đó số lượng trạm thu phí được UBND tỉnh quyết định tại quyết định đầu tư và thỏa thuận với nhà đầu tư tại các hợp đồng dự án là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Mặt khác, để đảm bảo phương án tài chính của dự án khả thi trong khi lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến ít nên HĐND và UBND tỉnh đã thống nhất các vị trí và số lượng trạm thu phí như hiện nay.

Tram thu phi qua day o Binh Phuoc: Tinh khong tu dat
Trên cùng tuyến đường từ thị xã Phước Long về xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước) có tới 3 trạm thu phí. Ảnh: TTXVN

Cũng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, do các khu công nghiệp phát triển, đồng thời định hướng của tỉnh sau này phát triển du lịch ở núi Bà Rá (Phước Long), lưu lượng xe cộ tham gia nhiều hơn nên tuyến ĐT 741 đang được nâng cấp, mở rộng để thúc đẩy cho giao thương, kinh tế- xã hội phát triển.

Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp và các bên chia sẻ những khó khăn chung, đồng thời cũng  thực hiện một số giải pháp để giảm gánh nặng phí cho doanh nghiệp. Về mức thu phí hiện nay, theo bà Tôn Ngọc Hạnh, là hợp lý, đúng quy định.

“Theo quy định của Bộ GTVT, một trạm thu phí thu tối đa từ 35.000-40.000 đồng/lượt, nhưng ở Bình Phước nhà đầu tư nhỏ nên dù nhà đầu tư ấy có 2 trạm thu phí thì mỗi trạm cũng chỉ thu 15-20.000 đồng/lượng, cộng 2 trạm lại không vượt quá quy định của Trung ương, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến này”, bà Tôn Ngọc Hạnh thông tin.

Trước thực trạng một số doanh nghiệp vẫn “chưa thông” về các trạm thu phí BOT, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết đã trao đổi với ngành giao thông để tham mưu cho UBND tỉnh, trước mắt phải giải quyết ngay chính sách miễn giảm cho những người dân ở gần khu vực trạm thu phí.

“Tôi được biết UBND tỉnh đã họp về vấn đề này. Muốn miễn giảm thì phải có căn cứ, tiêu chuẩn: ai được miễn, ai được giảm, trong mỗi gia đình bao nhiêu xe được giảm… phải liệt kê cho rõ để tránh lạm dụng, không quản lý được, gây thiệt thòi cho nhà đầu tư”, bà nói.

Sau cùng, điều quan trọng nhất, theo bà Tôn Ngọc Hạnh là phải công khai, minh bạch và khi đảm bảo được các yếu tố này, người dân sẽ đồng thuận.

“Điều cử tri kiến nghị nhiều là phải công khai, minh bạch, rõ ràng chi tiêu, sửa chữa, bảo trì đường, thời gian thu phí… Trước mắt phải từng bước giải quyết từng vấn đề và tỉnh vẫn đang ráo riết làm”.

Trong khi đó, ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước một lần nữa nhấn mạnh, doanh nghiệp hiện còn nhỏ bé, phải gánh chịu quá nhiều thuế phí khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn, vì thế ông mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước đã có đơn “kêu cứu” phản ánh, tuy Bình Phước là tỉnh nghèo nhất cả nước nhưng hiện nay lại có nhiều trạm thu phí nhất cả nước với mật độ dày đặc các trạm thu phí.

Chỉ tính riêng trên đường ĐT 741 từ thị xã Phước Long đến TP.HCM có chiều dài khoảng 150km nhưng có tới 6 trạm thu phí là Phước Long-Bù Nho, Bù Nho- Đồng Xoài (hai trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46km), Đồng Xoài-Tân Lập 29km, Tân Lập-Bố Lá 30km, Bố Lá-Suối Giữa 58km và Suối Giữa-Lái Thiêu cách nhau 17,2km.

Theo tính toán của Hiệp hội, mỗi sản phẩm sản xuất ra ở Bình Phước tính từ đầu vào đến khi đầu ra phải chịu đến 24 lần thu phí khi đi qua 6 trạm BOT trên đường ĐT 741 từ Bình Phước đến TP.HCM. Doanh nghiệp mỗi lần nhập hàng về chuyên chở qua 6 trạm thu phí phải chịu mất phí tới 12 lần. Hàng sản xuất xong và chở đi tiêu thụ lại chịu thêm 12 lần phí nữa. Tổng cộng 24 lần phí đã kéo theo giá thành sản phẩm lên rất cao.

Theo Báo đất việt

Từ khóa : BOT Bình Phước dày đặcđại biểu quốc hộihiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phướctrạm thu phí BOT

Các tin liên quan đến bài viết