Từ lâu người dân vùng nông thôn (Nam Định) đã quen với cái dáng bà cụ già siêu vẹo trên cánh đồng để bắt cua. Ở tuổi 80 cụ Bình ngày nào cũng bươn bả như vậy, bắt con cua, con ốc mang ra chợ bán kiếm đồng rau cháo nuôi con trai bị động kinh có tới 2 lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Lần theo địa chỉ từ lá đơn cầu cứu, chúng tôi trở về thôn An Ninh, Đội 13, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thăm mẹ con cụ Vũ Thị Bình (còn gọi là cụ Phúc) theo sự chỉ đường của anh Nguyễn Xuân Hảo – Trưởng thôn.
Cụ Bình năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn đi mò cua, bắt ốc nuôi con trai bị bệnh động kinh.
Anh Văn Anh bị bệnh động kinh, lại bị bỏng nặng do ngã vào bếp củi khi lên cơn bệnh.
Giấy chứng nhận bệnh tật của anh Văn Anh.
Khi đó đã là gần 12h trưa, trong ngôi nhà thấp le te, đồ đạc sơ sài gần như không có gì đáng giá. Anh Nguyễn Văn Anh (con trai cụ Bình) đang ngồi ngơ ngẩn, còn cụ Bình vẫn đang cặm cụi ngoài đồng chưa về.
Nắng, nóng, mồ hôi thấm ướt nhễ nhại, ngồi đợi một lúc mới thầy bà về, trên tay là chiếc xô nhỏ lèo tèo vài con cua và mấy con ốc. Giọng bà thều thào mệt mỏi: “Ngày nào nhiều tôi bắt được khoảng từ 3-4 lạng cua, bán cũng được chục nghìn đồng. Còn như hôm nay, nắng nóng quá, tôi phải nghỉ nhiều thì buổi sáng chỉ bắt được hơn có vài con thế chiều tôi lại đi bắt tiếp cô ạ”.
Cả buổi sáng cụ bắt được 13 con cua và hơn chục con ốc.
Những con cua, con ốc là nguồn sống duy nhất của mẹ con cụ.
Gương mặt nhăn nheo lấm lem bùn đất, bà ngồi tựa vào tường thở dốc như để lấy sức đứng dậy. Ngoài trời cái năng chang chang hập xuống sân bê tông rồi hất ngược lên quất thẳng vào mặt người bỏng rát… Vậy mà để kiếm bát cơm, bát cháo mưu sinh, cụ Bình vẫn ngày ngày phải lặn lội ra đồng mò từng con cua, con ốc để kiếm bát cơm, bát cháo anh con giai bị bệnh động kinh.
Cụ đậy lại cẩn thận số cua, ốc buổi sáng bắt được để chiều lại đi tiếp, sau đó dồn vào đến sáng hôm sau đi bán.
Ở cái vùng quê nghèo nhắc đến mẹ con cụ Bình thì ai cũng biết và thương cho hoàn cảnh mẹ con bà vất vả. Văn Anh, con trai cụ sinh ra lớn lên như chàng trai bình thương. Năm 2013, Văn Anh bất ngờ bị tai nạn xe máy, tưởng chết nhưng rồi cấp cứu và chữa trị trên bệnh viện Việt Đức nên qua khỏi.
Nhưng cũng từ đó đến nay Văn Anh bị chứng động kinh, cứ lên cơn là co giật. Năm ngoái khi anh đang đun bếp thì cơn động kinh ập tới quật ngã chàng trai vào bếp củi, may mắn được mọi người phát hiện, Văn Anh thoát chết thêm một lần nữa nhưng bị bỏng rất nặng, đến giờ vết thương vẫn còn toác ra trên người – Ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng thôn An Ninh kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của hai mẹ con, với giọng đồng cảm và tha thiết mong muốn mẹ con cụ Bình được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ.
Anh Văn Anh mới đi mổ ghép miếng xương sọ vào sau tai nạn xe máy.
Những vết thương trên cơ thể anh Văn Anh, dấu tích của vụ bỏng ngã vào bếp củi.
Lắng nghe ông trưởng thông kể về hoàn cảnh gia đình mình, Văn Anh ngồi đó, gương mặt ngơ ngác rồi vén tấm áo cũ sờn. Những vết bỏng to như con rắn vẫn còn thâm tím chạy ngoằn ngoèo trên cơ thể anh. Tay phải của anh, cụt đến 4 ngón tay cùng vết thương còn hở toác, sâu hoắm. Nhìn con, cụ Bình ngậm ngùi: “Nó đau đấy nhưng mà đến bản thân nó cũng chả biết xót, chỉ có mẹ già này là xót ruột thôi”.
Tất cả mọi thứ trong ngôi nhà của bà đều nghèo nàn, đơn sơ.
Chiếc chạn bát là vật dụng thường ngày của hai mẹ con.
Cụ Bình kể, con trai cụ từng có một mái ấm gia đình nhưng vợ chồng chia tay, hai con đang ở cùng ông bà ngoại. Nhắc đến các cháu của mình một lần nữa khiến cho cụ Bình vừa ái ngại, vừa đau xót nhưng không thể làm gì khác được. Vì bản thân cụ già yếu không còn sức lao động nên chỉ gắng gượng kiếm bát rau, bát cháo cho qua ngày.
Cuộc sống khó khăn, thu nhập chính của cụ dựa hoàn toàn vào việc bắt cua, bắt ốc để có cái ăn và thi thoảng mua được viên thuốc lúc ốm, lúc đau. Hết mùa cua, ốc thì cụ lại nhặt nhạnh những mớ ra, vỏ chai nhựa mang bán kiếm thêm đồng tiền qua ngày.
Cụ bảo mình già rồi nên không mong ước gì nhiều, chỉ cầu sao ông trời cho sức khỏe để còn đi bắt cua về nuôi con cho dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài nghìn đi chăng nữa. Lưng đã bắt đầu còng xuống với đôi chân không còn được nhanh nhẹn nữa… nhưng cụ không làm thì lấy gì cho con ăn, cụ luôn suy nghĩ thế để cố gắng làm.
Không đi làm thì không có cái ăn nên ngày nào cũng 2 chiều cụ ra đồng.
Cụ già rồi không mơ ước gì nhiều, chỉ mong có bữa rau, bữa cháo cho qua ngày.
Câu chuyện nhanh chóng qua nhanh, chúng tôi ngồi với cụ đến 3h chiều, cũng là lúc cụ bảo phải ra đồng bắt cua tiếp, gom lại để sáng mai đi bán sớm.
Ngoài trời vẫn cái nắng gắt bắt đầu đổ bóng, dáng bà cụ tuổi 80 siêu vẹo đổ trên cánh đồng bắt cua ám ảnh mãi trong tôi hình ảnh so sánh…cụ Bình cũng giống bao cụ ở thành thị nhưng giờ họ đang ngồi trong phòng lạnh điều hoà vui vầy bên con cháu.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về 1. Mã số 3346: Bà Vũ Thị Bình (còn gọi là bà Phúc): Đội 13, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Số ĐT: 0979.300.474 (Số ĐT của chị Lan, con gái bà Bình)
2. Báo điện tử Dân trí. |
Theo Dân trí