60 năm trước, vượt qua bao gian khổ, giữa mưa bom bão đạn, bằng những phương tiện vô cùng thô sơ, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, quân và dân ta đã bạt núi san rừng, nối thông các mạch, tuyến để vận tải, chi viện lương thực, vũ khí ra chiến trường, phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng ác liệt. Chỉ có ý chí, khát vọng, tinh thần đoàn kết và niềm tin chiến thắng mới làm nên huyền thoại đường Trường Sơn.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị được xem là chiến trường ác liệt. Nhiều địa danh đã đi vào lịch sử trở thành những di tích minh chứng cho cuộc chiến tranh. Trong đó có những di tích liên quan đến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh: Khe Hó, cầu treo Bến Tắt, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, cầu treo Đakrông và rất nhiều điểm di tích lịch sử khác.
Bài 1: Trở lại Khe Hó – nơi khởi đầu tuyến đường mòn Hồ Chí Minh
Khe Hó là nơi có vị trí khá quan trọng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là địa điểm mà “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) đã chọn làm nơi tập kết hàng hoá, lương thực, vũ khí, khởi đầu của tuyến đường mòn Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam.
Khe Hó nằm ở một thung lũng phía Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, xung quanh là núi non hùng vĩ, hiểm trở.
Khe Hó – “địa chỉ đỏ” ác liệt
Sau bao năm, địa danh Khe Hó khốc liệt xưa kia không còn nhiều dấu tích. Hiện nơi đây được nhận diện là bãi đất bằng, được phủ xanh bởi rừng tràm. Xung quanh còn lại ít rừng tự nhiên và ngọn suối chảy dưới chân thung lũng.
Nhóm phóng viên chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ từ UBND xã Vĩnh Hà và được bố trí năm xe máy để di chuyển từ trung tâm xã Vĩnh Hà đến Khe Hó. Đây là tuyến đường nhiều đèo dốc, có suối cắt ngang, đường gập ghềnh nguy hiểm. Chính vì vậy, để đến với Khe Hó chỉ đi bằng xe máy hoặc phương tiện xe tải, được thiết kế gầm cao.
Đường vào Khe Hó
Dọc đường đi, anh Thắng – người địa phương phải ghì tay lái, nhích dần từng đoạn để xe khỏi lao xuống. Những đoạn dốc cao phải gài số mới có đà leo lên. Anh Thắng nói rằng, trước đây muốn đến với Khe Hó phải đi bộ cắt rừng, mất rất nhiều thời gian. Nhưng nay đã có đường xe cơ giới đi vào, nhưng chủ yếu xe chở tràm mới vào được.
Đi cùng chúng tôi trong chuyến trở lại Khe Hó lần này là ông Võ Văn Hỉnh – Chủ tịch cựu TNXP cụm miền Tây huyện Vĩnh Linh. Đã nhiều năm không trở lại Khe Hó, nhưng ông Hỉnh vẫn nhớ chi tiết từng vị trí tại nơi mà ông và đồng đội vượt qua khó khăn để vận chuyển hàng hóa, luồn rừng sâu ra chiến trường.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, tháng 5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt – Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ông Hỉnh (đội mũ) về lại Khe Hó, “địa chỉ đỏ” năm xưa.
Sau khi đã khảo sát, Đoàn 559 quyết định chọn Khe Hó (thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh), làm điểm khởi đầu cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Khơi thông tuyến chi viện miền Nam
Khe Hó nằm giữa thung lũng hướng Tây Nam. Đây là khu vực dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Việc chọn Khe Hó làm nơi tập kết, vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường tạo ra nhiều bất ngờ với địch. Tuy vậy, đây là điểm nằm sâu trong dãy Trường Sơn nên việc khai thông đường gặp rất nhiều khó khăn.
Nơi bộ đội và nhân dân đã trải qua bao vất vả để vận chuyển hàng và vũ khí ra mặt trận.
Ông Võ Văn Hỉnh cho biết, thời điểm đó việc mở đường rất thô sơ, vận chuyển hàng hóa, vũ khí với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, con đường bí mật luồn giữa rừng sâu. Do đó, mọi điều kiện ăn uống, vận chuyển hàng hóa, hoạt động đều khá vất vả.
Nhưng với tinh thần yêu nước, quyết tâm giải phóng dân tộc nên cán bộ chiến sĩ đoàn 559 lúc đó, quân và dân Vĩnh Linh và lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vận chuyển lương thực, vũ khí vào miền Nam phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, phải có quyết tâm lớn, quyết tâm đánh thắng giặc quân và dân ta mới làm nên huyền thoại đường Trường Sơn. Ông Hỉnh nói rằng: “Lúc đó, để hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi tinh thần quyết tâm giải phóng dân tộc, dù bất cứ giá nào, dẫu rừng sâu, suối sâu vẫn không quản ngại khó khăn để đưa hàng hóa, vũ khí vào miền Nam để có đủ lương thực, vũ khí đánh giặc”.
Dòng suối tại Khe Hó.
Những năm sau đó, được Huyện ủy Hướng Hóa và Khu ủy Vĩnh Linh tích cực giúp đỡ, Đoàn 559 đã hạ quyết tâm mở con đường từ đây qua rừng núi Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), qua các điểm động Nóc, động Voi Mẹp, động Ka Lư, vượt đường số 9, qua làng Riêu, làng Rao đến Tà Riệp, Pa Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Ngày 13/8/1959, Tiểu đoàn 301 bắt đầu vận chuyển chuyến hàng đầu tiên. Qua 8 ngày đêm gian khổ, 40 khẩu súng trường, tiểu liên, 10 thùng đạn, một ít quân trang, quân dụng cần thiết đã được đơn vị đưa đến Tà Riệp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn.
Trong điều kiện núi non hùng vĩ, hiểm trở, bộ đội và nhân dân đã quyết tâm mở đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông Hồ So, người từng tham gia mở đường mòn Trường Sơn và vận chuyển hàng hóa nhớ lại: “Ngày trước, nơi đây là vùng núi rừng hiểm trở, chỉ có duy nhất bản người Vân Kiều sinh sống, người dân lấy tên Khe Hó đặt tên bản. Năm 1959, khi cán bộ cách mạng từ miền Bắc vào đây, dân bản Khe Hó lúc đó còn nghèo lắm. Nghe cán bộ nói, nơi đây được chọn làm điểm tập kết lương thực, vũ khí để đưa vào Nam đánh giặc, giải phóng đất nước nên dân bản Khe Hó rủ nhau đi gùi hàng, đào hầm hào, công sự, mở đường giúp bộ đội. Bởi ai cũng có niềm tin, một lòng theo Đảng và Bác Hồ.
“Những ngày đầu phát cây mở đường dưới mưa bom, bão đạn của địch, có nhiều bộ đội và dân công bị thương và hy sinh lắm”, giọng già So chùng xuống.
Những tán rừng nguyên sinh tại Khe Hó.
Từ một “đoàn công tác quân sự đặc biệt” khi thành lập chỉ có 500 cán bộ chiến sĩ, dần dần Đoàn 559 không ngừng lớn mạnh. Cùng với lực lượng thanh niên, dân công, hỏa tuyến đã làm nên những kỳ tích trong mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam, tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Cựu TNXP Võ Văn Hỉnh trăn trở, Khe Hó là điểm đầu tiên ở miền Bắc để tập kết đưa hàng hóa, vũ khí vào miền Nam, nên người dân, các cựu chiến binh mong muốn tại địa danh Khe Hó này có một cái gì đó, hoặc là tấm bia tưởng niệm, đài tưởng niệm để nhân dân và con cháu sau này biết thế nào là Khe Hó, đâu là sự vất vả trong vận chuyển hàng hóa vào miền Nam. Nếu không thì con cháu sau này sẽ lãng quên.
Theo Dân trí