Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn để ngỏ các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ phóng tên lửa liên tiếp trong vòng chưa đầy một tuần.
Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại một sự kiện ở bang California hôm 12/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng các nỗ lực của chính quyền Mỹ trước đây trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên chỉ dẫn đến những thất bại về ngoại giao.
“Những nỗ lực, thỏa thuận trước đây mà chúng ta thực hiện với Triều Tiên chỉ khiến Triều Tiên chế tạo thêm vũ khí hạt nhân và dẫn tới thất bại về ngoại giao của Mỹ”, ông Pompeo nói.
“Chính sách ngoại giao của chúng ta với Triều Tiên hiện nay tập trung vào việc bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải mở lại hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên”, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành hai vụ phóng tên lửa tầm ngắn trong vòng chưa đầy một tuần. Động thái này được cho là thể hiện sự thất vọng của Bình Nhưỡng về các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc với Washington.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa có thể thách thức những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo hôm qua cho biết việc hợp tác ngoại giao với Triều Tiên là điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump “hết sức tự hào”.
“Các nỗ lực ngoại giao của chúng tôi trong việc đưa cả thế giới hợp tác với nhau, đánh giá rủi ro và giúp chúng tôi xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Triều Tiên, là điều mà chính quyền chúng tôi hết sức tự hào”, ông Pompeo nói.
Bất chấp các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc dường như vẫn tìm cách duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng. Cả hai đồng minh Washington và Seoul đều tránh chỉ trích các vụ phóng này là hành động khiêu khích, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Politico, Tổng thống Trump cũng cho biết ông không nghĩ các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên tuần trước là hành động “bội ước”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết với Mỹ sẽ không phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa, vì vậy 2 vụ phóng gần đây không vi phạm thỏa thuận giữa ông và ông Trump.
Mở lại khu công nghiệp với Hàn Quốc
Trong một diễn biến có liên quan, DPRK Today, một kênh tuyên truyền của Triều Tiên, ngày 12/5 đã đăng bài viết kêu gọi Hàn Quốc mở lại hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong ở thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên. Theo DPRK, việc quyết định mở lại khu công nghiệp đang bị đóng cửa này phụ thuộc vào Hàn Quốc, chứ không phải Mỹ.
“Việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp không phải vấn đề cần đến sự đồng tình của Washington. Hàn Quốc chỉ đang kiếm cớ để các lực lượng nước ngoài can thiệp vào những dự án hợp tác (liên Triều) khi họ đề cập tới những vấn đề như sự chấp thuận của Mỹ hay các biện pháp trừng phạt”, DPRK Today viết.
“Việc nối lại dự án Kaesong là quyết định của riêng chính quyền Hàn Quốc. Việc Hàn Quốc trì hoãn mở lại khu công nghiệp này cho thấy họ không có ý định nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ liên Triều”, kênh tuyên truyền của Triều Tiên nhấn mạnh.
Hàn Quốc vẫn luôn hy vọng mở lại khu công nghiệp Kaesong và chương trình du lịch núi Kumgang ở Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các dự định này chưa thể trở thành hiện thực do các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.
Theo Dân Trí