Tối 10-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ khai mạc liên hoan tuyên truyền lưu động và công bố quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt điểm cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (km 1.200 – thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Bình Phước là địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc. Chính vì vậy, Bình Phước là một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, địch triệt để khai thác con đường này để hành quân cơ động lực lượng đánh phá vùng căn cứ của ta, bảo vệ sào huyệt của chúng ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, Đảng bộ, quân và dân Bình Phước với ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách đã kiên trì bám trụ, chiến đấu đánh địch càn quét, lấn chiếm giành dân, giữ vững lực lượng, giữ vững địa bàn, phát triển căn cứ địa dọc khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong đó, huyện Chơn Thành nằm ở phía Tây của tỉnh Bình Phước, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là huyết mạch nối liền các tỉnh biên giới miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh.
Để chi viện cho chiến trường miền nam, Trung ương đã quyết định xây dựng mạng lưới đường Trường Sơn kéo dài và đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông và Bình Phước là đoạn cuối đường Hồ Chí Minh.
Nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước có ba hạng mục di tích: Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu (VK96) thuộc huyện Bù Gia Mập; bồn xăng – kho nhiên liệu (VK98) thuộc xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, là một trong những kho chứa nhiên liệu cuối cùng của tuyến ống dẫn xăng dầu từ miền bắc chuyển vào phục vụ chiến trường miền nam và di tích điểm cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (Km 1.200 – thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), đây là điểm tập kết các lực lượng quân giải phóng và phương tiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ba hạng mục di tích này có vai trò quan trọng trong cuộc tổng tiến công dành đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại ngã tư Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) hiện nay có một tấm bia cũ bằng xi-măng cốt thép cao 1,5m, rộng 0,8m, nằm bên phải quốc lộ 14 hướng đi về trung tâm tỉnh Bình Phước. Trên bia có nội dung “đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, đầu năm 1973, Chơn Thành”, do bộ đội Trường Sơn xây dựng để ghi dấu điểm di tích. Tại khu vực di tích không có hiện vật gì, chỉ còn các tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan di tích hiện đang lưu giữ, trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh – Binh đoàn 12.
Năm 2009, Chính phủ cho triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh (nối dài) đoạn Chơn Thành – Đức Hòa với tổng chiều dài toàn tuyến 83 km, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Đến thời điểm này, dự án nói trên đã đầu tư hoàn chỉnh 10/83km bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; 73 km còn lại mới xong phần nền đường, nhiều cầu trên tuyến đang dở dang, đoạn qua tỉnh Tây Ninh (dài hơn 21km) mới thực hiện được 14 km, nhưng phần đường chưa hoàn chỉnh (mới rải đá dăm) và mới chỉ thi công được 25% khối lượng mố của bốn cây cầu.
Theo Nhân dân