Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.
Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội của UB Kinh tế dành dung lượng đáng kể cho các vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục
Thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh dành một mục riêng cho lĩnh vực giáo dục.
Cơ quan thẩm tra ghi nhận, hoạt động giáo dục và đào tạo đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chưa có cơ chế khuyến khích, thiếu sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và tổ chức khoa học công nghệ, viện nghiên cứu. Quy mô giáo dục ngoài công lập còn nhỏ.
Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh dẫn thông tin, hiện nay kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất.
Cụ thể, tỉnh Hà Giang có 114 thí sinh có tổng điểm đã công bố chênh lên từ 1,0 điểm đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Tỉnh Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây; trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Tỉnh Hòa Bình có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh năm 2018 và 01 thí sinh năm 2017) được sửa điểm thi với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Đặc biệt, có thí sinh được nâng điểm 3 môn với tổng số 26,45; bài thi Hóa học của 01 thí sinh được nâng 9,25 điểm.
Cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục; xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.
Về tình hình những tháng đầu năm 2019, UB Kinh tế khái quát, ngành giáo dục và đào tạo đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và biên soạn nội dung giáo dục địa phương.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề về giáo dục mà người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng một bộ phận nhà giáo còn thấp, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường…
Mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng lao động vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến thực trạng chất lượng nguồn nhân lực còn khoảng cách lớn so với các quốc gia trong khu vực, nhiều lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đề cập giải pháp cho nửa sau năm 2019, Chủ nhiệm UB Kinh tế nhấn mạnh yêu cầu xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương. Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019 tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa, giáo dục, đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách từ trong hệ thống các cơ quan đoàn thể đến gia đình, nhà trường và xã hội. Đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện, hành vi phi đạo đức, thiếu văn hóa, phản cảm, ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Theo Dân Trí