Bên lề phiên chất vấn ngày 17-11, liên quan đến câu hỏi của ĐBQH về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh “Vì sao có vi phạm lại ra đi một cách êm ả”, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, đây là băn khoăn chính đáng, song không nhất thiết phải công khai trả lời, vì vụ án đang trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ ngày 29-9-2016, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam. Vì trong quá trình điều tra nên có những thông tin về vụ án đưa ra ngay thời điểm này sẽ bất lợi. “Vụ án khi đến giai đoạn kết thúc điều tra thì tất cả mọi việc sẽ được làm sáng tỏ”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ ông Trịnh Xuân Thanh
Về thông tin ĐBQH nêu, theo đó “trên hệ thống mạng Interpol (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế) chưa có tên Trịnh Xuân Thanh”, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, qua kiểm tra thấy Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ ngày 29-9, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam. Đây là lệnh truy nã đỏ, nhiều nước đã nhận được.
Trước đó, ngày 15-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng hồi tháng 10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã vượt biên trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu.
Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol và cũng là một loại giấy chứng nhận bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời.
Nguồn SGGP