Đó là lời chia sẻ đầy phấn khởi của trưởng ấp, già làng Bưng Sê, xã Tân Thành (Đồng Xoài) Điểu Sa Rem với phóng viên trong câu chuyện về y tế ở ấp. Nhắc đến Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, ông Sa Rem cho rằng bà con ấp Bưng Sê không chỉ mang ơn Đảng, Nhà nước mà còn rất trân trọng những người làm y tế ở cơ sở đã tận tình đem kiến thức chăm sóc sức khỏe về phổ biến cho nhân dân, giúp họ dần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Do bất đồng ngôn ngữ, đường sá đi lại khó khăn và ít tiếp xúc với bên ngoài nên năm 2000, bà con ấp Bưng Sê vẫn có người sinh con tại nhà. Tình trạng sinh dày, sinh nhiều, không quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn, thậm chí khi con bị bệnh thì nhờ thầy mo cúng chứ không đưa đến cơ sở y tế. Bà Thị Hạnh vợ ông Điểu Sa Rem và cũng là cộng tác viên dân số lâu năm của ấp kể: Khi tôi đến nhà vận động chị em đi khám sức khỏe, một số nói ngại không khám phụ khoa, một số chị cho rằng “trời sinh voi sinh cỏ”. Khi vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, có chị bị bệnh thì chồng đến nhà bắt đền. Tuyên truyền đưa con đi chích ngừa, có bà mẹ không chịu vì cho rằng tiêm xong con sốt…
Chị Nông Thị Bôi (bìa trái), nhân viên Trạm Y tế xã Tân Thành cùng cộng tác viên dân số Thị Hạnh (bìa phải) tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà bà Thị Thu
Kể lại câu chuyện có thật về trường hợp mê tín dị đoan trong ấp, ông Điểu Sa Rem nói: Tôi không nhớ rõ năm nào nhưng lúc đó gia đình kia có con bị bệnh, chữa hoài không hết. Người trong gia đình nghe thầy mo nói vì trong nhà nuôi con heo mang thai 13 con nên rất xui, làm đứa bé bị bệnh. Thầy mo buộc gia đình này phải giết con heo rồi cúng mới mong hết bệnh. Rốt cuộc, khi mổ bụng heo ra chỉ có 9 con, cúng xong đứa trẻ vẫn không hết bệnh. Cũng thời điểm đó trong ấp nở rộ phong trào “Nuôi heo rẻ” giúp nhau phát triển kinh tế nên con heo rất có giá trị với bà con. Sau lần “tiền mất, tật mang” ấy, nhiều bà con trong ấp đã nhận thức được đó chỉ là trò mê tín, không tin vào thầy mo nữa. Đứa trẻ kia sau đó cũng hết bệnh nhờ được đưa đến cơ sở y tế điều trị.
Bà Thị Thu (SN 1961) cho biết: Tôi có 5 đứa con, 2 đứa đầu sinh tại nhà nhờ mụ vườn đỡ đẻ. Lúc sinh đứa thứ 3 thì suýt mất mạng, khi đến bệnh viện, bác sĩ nói nếu tới trễ thì trẻ sẽ bị ngộp. Tôi sinh nhiều con vì không biết kế hoạch hóa gia đình, không biết tiếng Kinh nên ngại ra trạm y tế, hơn nữa cũng lo tốn kém. Đến năm 2005-2006, tôi được chị em trong ấp tuyên truyền vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, thực hành dinh dưỡng… mới mạnh dạn thay đổi, từ đó thấy sức khỏe không ổn là đến cơ sở y tế khám ngay.
Làm việc tại Trạm Y tế xã Tân Thành từ năm 2002, phụ trách chăm sóc sinh sản nên chị Nông Thị Bôi có thể nhớ và kể nhiều tên mẹ, tên con tại ấp Bưng Sê. Chị Bôi cho biết: Những năm đầu, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em S’tiêng, Tày, Nùng rất hạn chế. Theo sự phân công của trạm, tôi thường xuyên vào ấp để tuyên truyền, vận động, giúp chị em nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Từ sự hỗ trợ tích cực của vợ chồng chị Thị Hạnh, y tế thôn bản Nông Hà Xèo, dần dần tôi tiếp cận và nắm bắt được tâm tư nhiều chị. Qua đó, Trạm Y tế xã đã tổ chức các hoạt động tư vấn sức khỏe phụ nữ mang thai, thực hành dinh dưỡng ngay tại ấp để thu hút chị em tham gia. Đối với những chị ngại ra trạm sinh nở vì sợ tốn kém, có thời điểm trạm miễn phí. Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con ấp Bưng Sê ngày càng nâng lên rõ rệt. Trưởng ấp Điểu Sa Rem đánh giá: Tôi thấy nhận thức của bà con trong ấp về y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, phụ nữ mang thai đã biết khám thai định kỳ, chú trọng sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc trẻ em, nuôi dạy con cái. Trong ấp hầu như không còn trường hợp sinh con tại nhà, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng.
Bà Thị Thu cho biết, hiện các con của bà đã tiến bộ hơn rất nhiều. Khi mang thai, phụ nữ đã biết đi khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của con. Thực hiện tư vấn tại trạm, chị Nông Thị Bôi đã nhiều lần “giả vờ” kiểm tra các chị nhưng đều cho kết quả tốt. Nhiều chị em S’tiêng, Tày, Nùng ở ấp Bưng Sê đã biết đến các phương tiện công nghệ cao để chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
P.Dung (BPO)