Ngày 13-2-2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 352/UBND-NC về việc tăng cường các biện pháp theo dõi, quản lý đối với các đối tượng bị bệnh tâm thần ở ngoài xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, tình hình các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do người bị tâm thần và có dấu hiệu bị bệnh tâm thần gây án diễn biến hết sức phức tạp. Các vụ án trên sau khi xảy ra, qua công tác giám định tại cơ quan chuyên môn đều kết luận các đối tượng gây án bị bệnh “tâm thần” hoặc “mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” và buộc phải đưa đi điều trị, chữa bệnh bắt buộc. Qua nghiên cứu các vụ án nhận thấy đa số nạn nhân đều là người thân trong gia đình của đối tượng gây án.

Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc điều trị lâu dài, tốn kém, nhiều gia đình không muốn cách ly người thân để đưa vào chữa bệnh tại các trung tâm, bệnh viện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm, chưa có cơ chế quản lý đối với người tâm thần, chưa có chế độ hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tâm thần được đưa đi thăm khám và điều trị đầy đủ. Do đó, đến nay nhiều người mắc bệnh tâm thần, nhất là bị “tâm thần phân liệt” vẫn ở ngoài xã hội. Đây là những đối tượng rất dễ bị kích động, ảo giác, dễ tức giận, không làm chủ và không kiểm soát được hành vi dẫn đến các hành vi bạo lực, giết người…, là mối đe dọa, nguy cơ thường trực gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ án giết người, xâm hại sức khỏe, tài sản đáng tiếc do đối tượng là người bị bệnh tâm thần gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp để phát hiện, quản lý, điều trị người tâm thần ở ngoài xã hội như: Rà soát, thống kê, lên danh sách đầy đủ các đối tượng là người bị bệnh tâm thần hoặc có tiền sử bị bệnh tâm thần đang ở ngoài xã hội để có biện pháp phối hợp quản lý. Tổ chức cho lưu trú, khám chữa bệnh đối với những người tâm thần đang ở ngoài xã hội trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế quản lý đối với những đối tượng bị bệnh tâm thần; đồng thời quan tâm, động viên, hỗ trợ tạo điều kiện về chính sách cho các gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tâm thần để họ chủ động đưa người thân của mình vào các trung tâm để quản lý, điều trị.

Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung công văn này, quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh để biết, chỉ đạo.

Huỳnh Thanh Tú

Từ khóa : bệnh tâm thầnđiều trịmất năng lực hành viquản lý

Các tin liên quan đến bài viết