Tại phiên xét xử sơ thẩm tranh chấp bản quyền giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội, số tiền đòi bồi thường của hai bên đều bị Viện kiểm sát nhân dân bác bỏ vì không có căn cứ.
Chiều 14.3. TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp “Quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm chủ.
Các đương sự tại phiên tòa chiều 14.3. Ảnh: XT.
Trước khi phiên toà bắt đầu. bên nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội có yêu cầu bồi thường thay đổi giảm đi còn 6 tỷ.
Bên nguyên đơn trình bày, ngày 16.1.2015, Công ty Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS ký hợp đồng tổng trị giá là 7.378.800.000, sau đó tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng thỏa thuận về tiến độ thực hiện công việc có giá trị hơn 86 triệu, cùng thống nhất giao cho DS thực hiện tư vấn, thiết kế kỹ thuật, dàn dựng cho dự án thực cảnh của Tuần Châu. Công ty DS mà đại diện là đạo diễn Việt Tú đã xây dựng vở diễn “Ngày xưa” (Thuở ấy xứ đoài).
Phía Tuần Châu Hà Nội đã thanh toán theo tiến độ hợp đồng, 24.7.2017 hoàn tất nghĩa vụ thanh toán trị giá hơn 7 tỷ, và các nghĩa vụ thanh toán khác phát sinh theo phụ lục, ngoài ra còn nhiều chi phí khác: trang phục, đạo cụ, âm thanh, thuê loa đài… lên tới hơn 5,9 tỷ. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty DS có những hành vi vi phạm hợp đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Tuần Châu.
Các đương sự có mặt tại phiên toà. Ảnh: Huy Hoàng
Cụ thể, Tuần Châu Hà Nội sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên DS đã tự đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm và được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận (31.8.2016, kê khai tác giả là Việt Tú, chủ sở hữu là Công ty DS).
DS không nghiệm thu sản phẩm theo đầu ra hợp đồng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tuần Châu Hà Nội đã thông báo dừng hoạt động, chấm dứt hợp tác với DS. Trên tinh thần thiện chí hòa giải, tiếp tục gửi công văn mời DS đến làm việc, nghiệm thu và bàn giao sản phẩm nhưng DS không hợp tác nên Tuần Châu Hà Nội quyết định khởi kiện và yêu cầu: Buộc DS chuyển giao quyền sở hữu tác giả với kịch bản vở “Ngày xưa” cho Tuần Châu Hà Nội; Buộc DS phải bồi thường thiệt hại cho Tuần Châu Hà Nội số tiền hơn 6 tỷ do vi phạm hợp đồng và không bàn giao hợp đồng, bao gồm: chi phí Tuần Châu Hà Nội phải đầu tư bỏ tiền ra xây dựng sân khấu khác cho vở diễn “Ngày xưa” và chi phí mời luật sư.
Không đồng ý với những điều bên Tuần Châu Hà Nội đưa ra, phía Công ty DS phản tố: Ông Việt Tú đã hình thành ý tưởng tổ chức biểu diễn vở này tại VN từ năm 2009-2010. Bản đầu tiên được hình hành có tên “Mặt nước hồn người”, sau đó phiên bản mới nhất khi đã chín muồi về nội dung cũng như phương thức thực hiện là vở “Ngày xưa” 2010.
Trong hợp đồng quy định Công ty DS được hưởng 10% doanh thu trong suốt vòng đời vở diễn.
Theo Công ty DS, tháng 6.2017 khi hợp đồng còn hiệu lực, Tuần Châu Hà Nội thuê một công ty khác sáng tác dàn dựng vở diễn tương tự với tên gọi “Tinh hoa Bắc Bộ”, sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng được xây dựng của “Ngày xưa” – vi phạm quy định về độc quyền theo hợp đồng. Điều này cho thấy Tuần Châu Hà Nội đã xâm phạm quyền tác giả, sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả và công ty sở hữu.
Tháng 8.2017, Tuần Châu Hà Nội còn gửi văn bản đơn phương đình chỉ hợp đồng, từ chối mọi thương thảo, hòa giải. DS không chiếm đoạt, thậm chí còn gửi email đề nghị Tuần Châu Hà Nội cùng đăng ký bản quyền nhưng không có hồi âm. DS được nhận chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả vào cuối năm 2018.
DS đề nghị HĐXX bác mọi yêu cầu của phía nguyên đơn và công nhận “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”. DS yêu cầu TC thanh toán cho DS số tiền còn nợ là gần 950 triệu – cho các khoản phát sinh từ tháng 1 – 5.2017, 10% doanh thu từ vở diễn và khoản chậm trả.
Vi phạm điều khoản độc quyền ký với DS, hành vi này kết hợp hành vi xâm phạm quyền tác giả (đơn phương chấm dứt hợp đồng, đơn phương ký kết hợ đồng với 1 pháp nhân khác…) khiến DS bị mất đi 10% doanh thu bán vé từ vở “Ngày xưa” mà lẽ ra DS được hưởng nếu như không có vi phạm của TC. Yêu cầu bồi thưởng hơn 6,3 tỷ đồng.
DS bổ sung thêm yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường khoản chi phí pháp lý từ khi phát sinh vụ việc đến giờ là 350 triệu đồng.
Đạo diễn Việt Tú trao đổi với luật sư của mình trước phiên toà. Ảnh: Huy Hoàng
Phiên toà trở nên căng thẳng tại phần hỏi đáp và tranh luận. Phía Tuần Châu Hà Nội đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi với lý do không nằm trong phạm vi vụ xét xử cũng như là thông tin bí mật trong kinh doanh không thể tiết lộ.
Cũng tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã đưa ra các bằng chứng thu thập được, trong đó có chứng cứ từ phía Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Theo kết luận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hai vở diễn có nhiều điểm giống nhau về cơ bản từ ý tưởng, kết cấu câu chuyện đến địa điểm, trang phục và đạo cụ…Vì vậy nhìn từ góc độ sân khấu, vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” không được coi là một sáng tạo độc lập mà chỉ có coi là vở diễn phái sinh. Đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc chuyên môn của sáng tạo và đạo đức nghệ sĩ cũng như quy định pháp luật về nguyên tắc có liên quan. Trong thực tế của nghệ thuật biểu diễn chưa từng xảy ra trường hợp nào như vậy mà được coi là sáng tạo độc lập.
Phiên toà được kéo dài cho đến 19h thì kết luận quan điểm của VKSND được nêu ra. Theo đó, VKS cho rằng công ty DS nói kịch bản vở “Ngày xưa” đã được định hình từ ngày 14.10.2015, trước khi ký kết là ngày 16.11.2015, chỉ đơn thuần là đưa vào sử dụng là không phù hợp.
Vở diễn “Ngày xưa” là kết quả của việc thực hiện hợp đồng giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và DS. Tuần Châu Hà Nội không không trực tiếp sáng tạo sản phẩm hay một phần tác phẩm nên ông Việt Tú là tác giả vở diễn. Nhưng Tuần Châu Hà Nội nắm quyền sở hữu.
Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả cho đạo diễn Việt Tú là phù hợp, nhưng lại đồng thời đăng ký quyền chủ sở hữu kịch cho Công ty DS là trái thoả thuận trong hợp đồng, điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo vị đại diện VKS, Công ty Tuần Châu Hà Nội yêu cầu toà án buộc bị đơn chuyển giao quyền sở hữu đối với kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” cho công ty Tuần Châu Hà Nội theo thoả thuận hợp đồng 0111 là có căn cứ.
Cũng theo quan điểm của VKS, Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu vở diễn nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, không liên quan đến DS.
“Việc đạo diễn Việt Tú cung cấp một số thông tin với báo chí chúng tôi cũng thấy không vi phạm về công bố tác phẩm, chưa xâm phạm và quyền sở hữu của Công ty Tuần Châu Hà Nội.
Về yêu cầu Công ty DS bồi thường cho Công ty Tuần Châu Hà Nội với số tiền 6.244.000.000 chi phí bỏ ra xây dựng chương trình diễn thực cảnh, chúng tôi thấy rằng việc thuê công ty khác dàn dựng vở diễn không đủ cơ sở cho rằng thuộc lỗi liên quan đến hợp đồng 0111, việc cần dựng vở diễn là lựa của Công ty Tuần Châu Hà Nội nên không thể chấp nhập việc bồi thường”.
Về số tiền đòi Công ty Tuần Châu Hà Nội đòi bồi thường Công ty DS do vi phạm nêu trên, cụ thể tương ứng 10% doanh thu là vi phạm nghĩa vụ của Tuần Châu Hà Nội, thì VKS cho rằng đây là số tiền tính theo suy đoán không đưa ra được căn cứ, nên không có căn cứ để chấp nhận khoản tiền mà Công ty DS yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường”.
Sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm chiều ngày 14.3, đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Mục tiêu chính mà tôi đạt được trong ngày hôm nay là ý kiến của Hội nghệ sĩ Việt Nam và 5 ý kiến của 5 nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo hàng đầu VN rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ vở “Ngày xưa”. Còn tôi chưa bao giờ có ý tranh đoạt chủ sở hữu với bên Công ty Tuần Châu Hà Nội. Luật sư phía Công ty Tuần Châu Hà Nội đã đưa vào như luận điểm tấn công rằng, tôi tự ý đi đăng ký quyền chủ sở hữu. Nên tôi phải đưa ra luận điểm để chứng minh rằng tôi không có ý định chiếm giữ và ngày hôm nay tôi khẳng định điều này ở toà rất nhiều lần.
Tôi nghĩ ngày hôm nay tôi đến đây về một vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đây là điều cực kỳ kinh khủng trong thời điểm hiện tại trong giới nghệ thuật. Trước ý kiến của Hội nghệ sĩ sân khấu hay tới đây là của toà án, tôi tin là sau đây nếu nghệ sĩ làm muốn làm bậy cũng sẽ hết sức phải cân nhắc. Bởi chúng ta bây giờ hội nhập rồi, tôi tin rằng đây là phiên sơ thẩm thôi còn phiên phúc thẩm sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý của hãng luật quốc tế, bởi rõ ràng họ đang giám sát chúng ta, họ không quan tâm tranh chấp giữa tác giả và chủ đầu tư, hợp đồng đâu. Họ quan tâm tới quá trình chúng ta thực thi việc bản quyền sở hữu trí tuệ như thế nào, chúng ta tôn trọng ra sao để quyết định chúng ta có ở trong hiệp ước đó hay không. Đây là điều rất quan trọng”.
Phiên tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 20.3.
Theo Dân việt