Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), quý 1 và quý 2/2017 giá cao su thiên nhiên có thể tăng đến 2.400 USD/tấn vào mùa khô khi nhiều nơi ngưng cạo mủ; dự báo năm 2017, giá cao su thiên nhiên có thể đạt trên 1.800 USD/tấn.
Trong dài hạn, giá cao su được dự báo phục hồi dần và trở về mức trên 2.000 USD/tấn từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình phát triển kinh tế thế giới, giá dầu thô, đầu cơ của một số quỹ tài chính, xu hướng giá của những hàng hóa chủ lực khác, giá đồng đôla Mỹ, biến động chính trị của một số nước…
Giá cao su thiên nhiên trên thế giới năm 2016 biến động thất thường, đầu năm chỉ 1.200 USD/tấn, nhưng hồi phục lên trung bình 1.600 USD vào quý 4, đỉnh điểm cuối năm lên 2.400 USD/tấn. Nguyên nhân do tác động bởi nhiều yếu tố, như: thỏa thuận cắt giảm 700.000 tấn cao su thiên nhiên của 3 nước Hội đồng cao su quốc tế ba bên – ITRC (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đến hết năm 2016; El nino gây khô hạn và tình trạng mưa lũ tiếp nối đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch của các nước. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng từ 30 USD/thùng lên trên 50 USD/thùng và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định, đồng thời nhu cầu tiêu thụ cao su của ngành ôtô gia tăng cũng làm giá cao su thiên nhiên ấm lên.
H.Châu