Bản án phán quyết người mẹ được quyền nuôi con nhưng cha cháu bé bắt con về nuôi hoặc “giấu” nơi khác. Trong khi đó cơ quan thi hành án không giải quyết đến cùng dẫn đến vụ việc rơi vào bế tắc…
Ngày 12-5-2016, TAND thị xã Dĩ An (Bình Dương) ra bản án chấp thuận ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Thi (30 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) và anh H.L.H.. Con chung của họ là cháu H.M.T. (5 tuổi) được tòa quyết định giao cho chị Thi trực tiếp nuôi dưỡng.
Sợ một ngày con không nhận ra mẹ
Sau khi ly hôn, cả cha và mẹ cháu T. đều có quyền chăm sóc, thăm nom, giáo dục con. Không ai có quyền cản trở cả cha lẫn mẹ cháu T. thực hiện quyền này. Anh H. có trách nhiệm bàn giao con cho chị Thi trực tiếp nuôi sau khi bản án có hiệu lực. Nhưng từ khi bản án có hiệu lực, chị Thi đã nhiều lần đến Quảng Ngãi để nhận con nhưng phía nhà chồng vẫn kiên quyết không cho gặp. Chị Thi cho biết có lần chị nhờ công an địa phương giúp đỡ nhưng vẫn không gặp được con vì phía gia đình nhà chồng giấu biệt và nói rằng cháu bé không có nhà. Mặc dù cơ quan thi hành án thị xã Dĩ An yêu cầu anh H. thi hành bản án nhưng anh này không chấp hành, trong khi đó cháu bé lại ở Quảng Ngãi (quê nội) khiến chị Thi không biết đường nào 
tìm con. Chị Thi kể: ngày 3-2 chị từ Quảng Nam tìm đến nhà chồng ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với mong ước được nhận con. Nhưng chị vừa nhìn thấy con thì người trong gia đình nhà chồng giành lấy đứa bé, không cho hai mẹ con trò chuyện với nhau. “Tôi sợ lắm, sợ một ngày con không nhận tôi là mẹ, sợ những lời xuyên tạc của người lớn khiến con bị tổn thương. Lúc đó tôi không đủ sức mà khóc nữa” – chị Thi nghẹn ngào.
Cưỡng chế thi hành án
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Mạnh Tân, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Sơn Tịnh, cho biết ngày 9-2 cơ quan này lập biên bản thỏa thuận với các đương sự về vụ việc theo sự ủy thác của cơ quan thi hành án thị xã Dĩ An. Theo ông Tân, nếu thỏa thuận này không trái với pháp luật, không vi phạm đạo đức và quyền lợi của các bên thì được chấp nhận, dù có khác với nội dung bản án. “Chúng tôi làm việc với các bên và thống nhất để gia đình ông nội cháu T. nuôi dưỡng một thời gian. Chị Thi được quyền gặp con, dẫn con đi chơi đâu đó một vài tuần và hai bên đã đồng ý. Nếu chị Thi vẫn không được gặp con thì gửi văn bản đến cơ quan thi hành án, chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu bản án cương quyết buộc giao con cho chị Thi” – ông Tân khẳng định. Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), luật hiện hành quy định khi tòa án đã tuyên giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn thì người chồng và những người thân thích khác phải thực hiện việc giao con chưa thành niên cho người được trực tiếp nuôi con. Trường hợp chồng cũ và người nhà không tự nguyện chấp hành thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế giao người. Trường hợp này bản án ở Dĩ An, nếu hiện giờ cháu bé đang ở Quảng Ngãi thì cơ quan thi hành án ở Dĩ An có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền ở Quảng Ngãi thực hiện yêu cầu thi hành án để cưỡng chế giao người theo điều 120 Luật thi hành án dân sự. “Theo đó, chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án quyết định.Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án” – luật sư Cao nói. Cũng theo luật sư Cao, nếu người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người cho người được thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thi hành. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế thi hành án.
Cần quyết liệt hơn
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM), luật hiện hành quy định đầy đủ các quy định để các bên thi hành một bản án và có cả điều luật truy cứu trách nhiệm hình sự người không thi hành bán ản theo quyết định của tòa. Chỉ cần cơ quan thi hành án quyết liệt hơn thì bản án sẽ được thực thi. Luật gia Phạm Văn Chung cho biết khi cơ quan thi hành án làm đủ trình tự thi hành án, buộc người thi hành án phải thi hành bản án nhưng bản án vẫn không được thi hành thì chuyển toàn bộ hồ sơ qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý về hành vi “không chấp hành bản án” (điều 304 BLHS). Cụ thể, “người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Đặc biệt, đối với trường hợp khi con đang ở với người mẹ mà người cha có hành vi bắt cóc con đi một nơi khác sinh sống, không có sự đồng ý của người mẹ và người vợ tố cáo hành vi đó, rất có thể người chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo điều 120 BLHS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù luật quy định rất rõ về các chế tài xung quanh việc thi hành án nhưng rất ít trường hợp bị xử lý vì liên quan đến yếu tố tình cảm. Theo các chuyên gia pháp lý, đa số những vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con, cơ quan điều tra và viện kiểm sát không đồng ý khởi tố, truy tố vì theo quan điểm của họ không cần thiết hình sự hóa một vụ dân sự.

Trình tự thi hành một bản án dân sự: Theo Luật thi hành án dân sự, sau khi bản án có hiệu lực, các bên phải thi hành. Nếu bản án không được thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án. Người yêu cầu thi hành án phải có đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu, kèm theo bản án, quyết định của tòa án.Trong thời hạn 5 ngày, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Chấp hành viên ấn định cho người phải thi hành án thời hạn không quá 5 ngày phải thi hành án. Sau thời hạn này mà người phải thi hành án không chịu thi hành thì buộc phải cưỡng chế thi hành án.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bản áncơ quan thi hành áncưỡng chếđịa phươnghiệu lựcluật sưly hônthi hành ánthị xã Dĩ Anthỏa thuận

Các tin liên quan đến bài viết