Tập đoàn Hưng Hải sẽ đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước, trong khi nhiều dự án thủy điện tại Lai Châu còn “đắp chiếu” và kéo theo không ít “tiếng xấu”.
Theo Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam – VietnamFinance, UBND tỉnh Bình Phước thông qua chủ trương phát triển dự án điện mặt trời, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với tổng công suất thiết kế lên đến 800 MWp. Chủ đầu tư dự án, tập đoàn Hưng Hải có tên chính thức là Công ty Cổ phần tập đoàn Hưng Hải, được thành lập năm 2008, do ông Trần Đình Hải là người đại diện pháp luật.
Trước đó, tập đoàn Hưng Hải từng được tỉnh Lai Châu lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020”.
Tại Lai Châu, tập đoàn Hưng Hải được ưu tiên triển khai 17/62 dự án được phê duyệt, cũng là 17 dự án lớn nhất, chiếm tới 75% tổng công suất thiết kế của 62 dự án này.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo Quân đội Nhân dân trong một bài viết đăng ngày 7/4/2016, thì “suốt nhiều năm, công ty này mới phát điện được 1 tổ máy, không triển khai các dự án đúng tiến độ khiến địa phương mới đây phải thu hồi 5 dự án. Ngoài ra, Hưng Hải đã bán 2 dự án được cấp phép cho đơn vị khác đầu tư”.
Phối cảnh dự án thủy điện Pác Ma của Hưng Hải Group.
Còn báo Lao Động đưa tin, trước sự chây ỳ của nhà đầu tư, vào tháng 9/2015, UBND tỉnh Lai Châu phải quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 11 dự án thủy điện. Trong số 11 dự án bị thu hồi này, có đến 5 dự án nằm trong tay các đơn vị thành viên của Cty Hưng Hải, trong đó có thuỷ điện Tà Páo Hồ. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, UBND tỉnh Lai Châu lại ra Quyết định 1378 phê duyệt chủ trương đầu tư thủy điện Tà Páo Hồ cho chính đơn vị vừa bị thu hồi giấy phép là Cty CP vật tư xăng dầu Lai Châu – đơn vị thành viên của Cty Hưng Hải. Quyết định này được cho là trái với Điều 23, Thông tư 43 của Bộ Công thương quy định về việc xử lý đối với các dự án thủy điện chậm tiến độ.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là theo phản ảnh của một số bạn đọc trên báo Quân đội nhân dân, câu chuyện này không chỉ dừng ở vấn đề thủy điện vì các khu vực triển khai dự án thủy điện của tập đoàn Hưng Hải đều nằm trong các vùng có nhiều mỏ khoáng sản, nhất là các mỏ đất hiếm. Lâu nay ở Tây Bắc từng xảy ra chuyện doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa làm thủy điện, làm hạ tầng để tranh thủ khai thác đất hiếm mà bỏ bê, xem nhẹ nhiệm vụ chính. Nhiều người dân địa phương bày tỏ lo lắng về việc lợi dụng chính sách giao dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng, đến khi kiệt quệ thì tìm cách trả lại dự án. Như vậy, sau khi doanh nghiệp đi, lãnh đạo tỉnh luân chuyển, để lại hệ lụy đau xót cho xã hội, người dân địa phương trực tiếp gánh chịu. Như vậy, cần làm rõ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải có “chiếm dụng” dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên chứ không vì mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia?
Một công trường khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải. Ảnh: Báo QĐND
Như vậy, bài học về quản lý đầu tư và quản lý khoáng sản đối với các dự án của tập đoàn Hưng Hải ở Lai Châu vẫn “nóng hổi” tính thời sự, dư luận không khỏi e ngại khi tập đoàn này tiếp tục “tiến quân” vào Bình Phước và tỉnh này đã được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 4.000 ha đất tại huyện Lộc Ninh để làm điện năng lượng mặt trời.
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Thương hiệu và Pháp luật