Giữa lúc World Cup vẫn còn là một giấc mơ dang dở với các đội tuyển bóng đá VN, nữ trọng tài Trương Thị Lệ Trinh lại đang đứng trước cơ hội lịch sử: cầm còi ở World Cup nữ 2019.

Lệ Trinh và cơ hội cầm còi ở World Cup

Lệ Trinh (bìa trái) làm trọng tài ở Giải vô địch Đông Nam Á 2016

Mới đây, FIFA đã đưa Lệ Trinh vào danh sách gồm hơn 120 trọng tài có thể tác nghiệp ở World Cup nữ 2019 diễn ra tại Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc sang năm, nữ trọng tài 33 tuổi này sẽ tham dự một trong hai giải đấu là World Cup nữ U-17 và U-20 như một cuộc sát hạch để FIFA chọn ra danh sách cuối cùng cho World Cup 2019 (gồm khoảng 60 người).

Trong cái rủi có cái may

Cách đây 14 năm, tương lai của Lệ Trinh trên con đường cầu thủ vẫn còn thênh thang khi cô được gọi lên đội tuyển năm 18 tuổi. Nhưng rồi nữ cầu thủ quê ở Long An dính một chấn thương đầu gối nặng và phải giã từ sự nghiệp. Đó cũng là lúc cuộc đời Lệ Trinh thay đổi. “Tôi xác định phải tập trung vào việc học vì khi đó tôi chẳng biết làm gì khác ngoài đá bóng cả”. Thế rồi Lệ Trinh vào học ĐH Thể dục thể thao TP.HCM ngay sau khi giã từ đời cầu thủ. Năm 2008, Lệ Trinh tốt nghiệp nhưng việc học của cô không dừng lại ở đó. Cựu thủ môn của tuyển VN đăng ký học tiếp khóa sư phạm và trọng tài để có thể theo đuổi cùng lúc hai công việc những năm sau đó: giáo viên thể dục và trọng tài. Sau khi hoàn tất việc học, Lệ Trinh về dạy ở Trường THPT Tân Trụ (Long An) đồng thời cũng trở thành trọng tài biên ở các giải vô địch quốc gia nữ.

Lệ Trinh và cơ hội cầm còi ở World Cup

Lệ Trinh chụp ảnh kỷ niệm tại World Cup U-17 2016 tại Jordan

“Dù công việc dạy học cho tôi một tương lai ổn định nhưng do quá nhớ bóng đá, thèm cảm giác được đứng trên sân cỏ, dù chỉ là nhìn các đồng đội cũ thi đấu, nên tôi theo đuổi đến cùng nghiệp trọng tài” – Lệ Trinh chia sẻ. Ở sự nghiệp mới, dường như vận may mỉm cười với Lệ Trinh hơn. Trong số 5 trọng tài được cử sang Thái Lan học khóa đào tạo của FIFA năm 2012, cô là người duy nhất được gọi đi bắt ở các giải đấu quốc tế sau đó trong vai trò trọng tài biên.

Nỗ lực học tiếng Anh

“Khi đi học ở Thái Lan, trình độ tiếng Anh của tôi không tốt gì lắm, nghe tiếng được tiếng mất nên chỉ hiểu độ 50% những gì được dạy. Trở về nhà tôi ấm ức lắm, thế là đăng ký vào học một trung tâm dạy tiếng Anh ở Long An. Dần dà tôi bắt đầu nghe nói được” – Lệ Trinh kể. Giải đấu quốc tế đầu tiên Lệ Trinh cầm còi là Giải Đông Nam Á 2013. Sau đó, sự nghiệp cầm còi của cô thăng tiến rất nhanh khi Lệ Trinh đạt đến chuẩn Elite vào năm 2014. Nhờ vậy, cô liên tục được mời bắt ở những sân chơi tầm cỡ quốc tế như VCK Asia Cup 2014, giải giao hữu thường niên Algarve Cup (quy tụ nhiều đội mạnh như Mỹ, Brazil…) 2016 và cả World Cup U-17 2016 tại Jordan… Điều này cũng giúp cô cải thiện được thu nhập đáng kể qua việc nhận được khoản tiền hỗ trợ 100 USD/ngày từ các giải đấu của FIFA.

Lệ Trinh và cơ hội cầm còi ở World Cup

Lệ Trinh (bìa trái) làm trọng tài ở Giải vô địch Đông Nam Á 2016

Nhưng đằng sau công việc cầm còi ở các giải quốc tế cũng là những đòi hỏi, thử thách khắc nghiệt khi các trọng tài chịu một sự quản lý gắt gao từ các giám sát viên của FIFA. “Ai cũng nghĩ bắt xong một trận đấu là thôi, nhưng trọng tài phải trải qua một cuộc họp căng thẳng với các giám sát mới thật sự “qua ải”. Trong các cuộc họp đó, họ sẽ mổ băng, phân tích trận đấu và nếu chúng tôi không giải thích thỏa đáng, cơ hội bắt tiếp trận sau sẽ chẳng còn. Nhưng sợ nhất là lúc họ bất chợt đặt ra những câu hỏi “làm khó” như: trận đấu vừa rồi có bao nhiêu tình huống việt vị, bao nhiêu lần sút phạt góc… Họ không trách khi trọng tài trả lời sai, nhưng họ sẽ ghi nhớ việc chúng tôi thiếu tập trung” – Lệ Trinh kể. Giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài, đối mặt với những tranh cãi từ các cầu thủ và cả sức ép từ những giám sát viên khó tính của FIFA, Lệ Trinh khẳng định cô không thể làm được gì nếu không có ngoại ngữ. Hiện tại, Lệ Trinh vẫn miệt mài theo học lớp cao học do ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM tổ chức tại An Giang. Trong đó tiếng Anh là một trong những môn học cô tập trung nhiều nhất.

Bạn bè khắp nơi: Ở World Cup U-17 tại Jordan, Lệ Trinh được xếp vào tổ cùng hai người Nhật. Do là người Việt duy nhất ở các sân chơi tầm cỡ này, cô được FIFA chuyển đổi, thử nghiệm liên tục trong nhiều tổ khác nhau, khi thì Malaysia, khi lại Myanmar… Nhờ vậy, cô có quan hệ khá rộng, quen biết nhiều trọng tài quốc tế và giữ quan hệ bạn bè qua Facebook.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bóng đácầm còififagiải Đông Nam ÁLệ TrinhTiếng anhworld cup

Các tin liên quan đến bài viết