Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, SBT (Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa; HoSE: SBT) đã phải điều chỉnh giá 2 lần cho 2 đợt chi trả cổ tức, tuy nhiên SBT vẫn đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và tốt hơn Vn-Index.
Nhà máy mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công (Ảnh: SBT)
Đặc biệt, trong thay đổi danh mục Chỉ số VN30 lần thứ nhất trong năm 2019 của HoSE, doanh nghiệp mía đường nhà ông Đặng Văn Thành vẫn nằm trong danh mục. Trong khi những “ông lớn” khác như: Nhựa Bình Minh (BMP), Hoa Sen Group (HSG), Kido Group (KDC) và Petrolimex (PLX) bị loại khỏi danh sách này.
DN mía đường duy nhất trong “rổ” VN30
Theo kết quả HoSE vừa công bố về việc thay đổi danh mục Chỉ số VN30 lần thứ nhất trong năm 2019. “Rổ” chỉ số VN30 được bổ sung 4 mã cổ phiếu là Eximbank (EIB), HDBank (HDB), Techcombank (TCB) và VinHomes (VHM); thay thế cho 4 mã cổ phiếu gồm: Nhựa Bình Minh (BMP), Hoa Sen Group (HSG), Kido Group (KDC) và Petrolimex (PLX). Đáng chú ý, cổ phiếu SBT vẫn tiếp tục được duy trì trong “rổ” VN30.
Biến động giá cổ phiếu SBT từ ngày 3.12.2018 – 23.1.2019 so với chỉ số VN-Index (Ảnh: Thống kê của SBT)
Theo giải thích của HoSE, SBT vẫn thỏa toàn bộ các điều kiện khắt khe trong khâu sàng lọc “rổ” chỉ số như (1) Giá trị vốn hóa nằm trong Top 50 Doanh nghiệp niêm yết trên HoSE (ngày 25.1.2019 đạt 9.958 tỷ đồng), (2) Thanh khoản cao và ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 3,4 triệu cổ phiếu/phiên, (3) Tỷ lệ free-float cao đạt 50% – thỏa điều kiện 10% của HOSE, (4) Tỷ suất vòng quay chứng khoán luôn >= 0,05%.
Trong khi đó, tính đến hết ngày 25.1.2019, SBT vẫn thuộc danh mục của Quỹ VFMVN30 EFT Fund – Quỹ ETF trong nước quy mô lớn nhất lấy Chỉ số VN30 làm tham chiếu với 2,3 triệu cổ phiếu đang sở hữu. Bên cạnh đó, SBT vẫn tiếp tục là thành phần của các “rổ” chỉ số nước ngoài quan trọng khác như: V.N.M ETF với gần 9,5 triệu cổ phiếu; DB XTRACKER FTSE VIETNAM SWAP UCITS ETF với 4,1 triệu cổ phiếu và iShares MSCI Frontier 100 ETF với 765 nghìn cổ phiếu.
Có lẽ chính bởi những nguyên nhân này nên dù thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, SBT đã phải điều chỉnh giá 2 lần vào ngày 24.12.2018 và 14.1.2019 cho 2 đợt chi trả cổ tức với tổng giá trị điều chỉnh lên tới 10% thị giá; tuy nhiên, SBT vẫn đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và tốt hơn Vn-Index.
Chốt phiên giao dịch buổi sáng nay 29.1, cổ phiếu SBT vẫn đạt mức giá 20.000 đồng/CP.
Đánh giá về triển vọng ngành đường, đặc biệt với mã cổ phiếu SBT của “vua đường” Đặng Văn Thành, báo cáo nghiên cứu mới nhất của HSC tháng 12.2018, đã đưa ra khuyến nghị “nắm giữ” SBT với giá mục tiêu là 21.724 đồng/CP. Trong khi đó, báo cáo về giá trị thực do Morning Star – Mỹ định giá tháng 11.2018 với SBT lên tới 27.416 đồng/CP.
Cơ sở của các khuyến nghị trên đến từ việc giá đường đang dần hồi phục sau thời gian chạm đáy. Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 3.2019 đóng cửa tăng 0,72 US cent, tương đương 6% lên 12,65 US cent/lb, phục hồi từ mức thấp nhất trong 3 tháng gần nhất, nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán nghiêm trọng tại Miền Trung Ấn Độ, mưa thất thường tại Trung Nam Brazil và giá dầu phục hồi là các yếu tố hỗ trợ giá đường tăng trở lại.
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng đánh giá năm 2019 được dự báo hiện tượng El Nino sẽ diễn ra, và ngành đường sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn do hiện tượng thời tiết này sẽ làm giảm sản lượng cung đường, nhờ vậy giá đường dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện.
Tích cực hỗ trợ người nông dân trồng mía
Bên cạnh việc đảm bảo lợi ích cho chổ đông, SBT nhà ông “vua đường” Đặng Văn Thành cũng đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người nông dân trồng mía để bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững cho phát triển “đế chế” đường. Mới đây nhất, ngày 8.1.2019, SBT và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký kết hợp tác, theo đó OCB sẽ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tối ưu đến người nông dân của TTC Biên Hòa.
Vùng nguyên liệu trồng mía của Tập đoàn Thành Thành Công
“Tính tới thời điểm hiện tại, TTC Biên Hòa đang cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các Tỉnh Thành có nhà máy của Công ty vay với tổng dư nợ lên đến 1.000 tỷ đồng. Sau khi ký kết với OCB, phía ngân hàng sẽ thay TTC Biên Hòa tiếp tục cho các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn với những chính sách vẫn đảm bảo duy trì thuận lợi cho họ như hiện tại. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay trung dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay. Hoạt động này nhấn mạnh tinh thần gắn kết, hợp tác phát triển giữa TTC Biên Hòa và người nông dân, từ đó tạo tính ổn định trong công tác trồng trọt và phát triển vùng nguyên liệu của SBT”, ông Đặng Văn Thành, chia sẻ về việc ký kết với OCB để triển khai cho nông dân vay vốn.
Cũng theo ông Thành, nhờ ký kết hợp tác toàn viện với OCB, phía SBT sẽ tranh thủ nguồn vốn lưu động cho những kế hoạch sản xuất kinh doanh khác nhằm tranh thủ cơ hội mở rộng và tiếp tục chiếm lĩnh các kênh phân phối chủ lực bao gồm doanh nghiệp B2B, tiêu dùng B2C và xuất khẩu.
Không chỉ có SBT tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân trồng mía, phía các công ty con, nhà máy mía đường trực thuộc cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân. Chẳng hạn, bước vào niên vụ 2018-2019, nhà máy TTCS Gia Lai với vùng nguyên liệu trên 11.000 ha (chiếm 5% diện tích vùng nguyên liệu cả nước, công suất ép mía 6.000 tấn mía ngày), đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón, chăm sóc, sửa chữa đường chuyên chở và giá thu mua mía nguyên liệu hợp lý… đảm bảo cho nông dân có lãi bình quân 20 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, ngoài các chính sách đầu tư vốn cơ bản như các năm trước, TTCS Gia Lai đã có những chính sách khuyến khích cánh đồng lớn, khi hợp thửa từ 1 ha đến 3 ha, nông dân sẽ được trợ giá từ 1,5 triệu đồng, trên 3 ha đến 5 ha sẽ được trợ giá 2 triệu đồng, còn trên 5 ha sẽ được trợ giá 3 triệu đồng.
Niên vụ 2018-2019, sản lượng đường sản xuất tại các quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới được dự báo sẽ giảm so với niên độ trước, đặc biệt giảm mạnh tại Brazil (-28%), Thái Lan (-8%), Ấn Độ (-6%). Dự báo thặng dư giữa sản xuất và nhu cầu sẽ tiệm cận vào năm 2021. |
Theo Dân việt