Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Huyện đoàn Phú Riềng có nhiều tấm gương tiêu biểu về vượt khó làm giàu. Nổi bật là Thái Thành Nhân (1995), thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân và anh Phan Thanh Thuận (1980), thôn Phú Tiến, xã Phú Trung.
Có chí thì nên
Về xã Phước Tân, huyện Phú Riềng hỏi về chàng trai Thái Thành Nhân hầu như ai cũng biết bởi đã đứng lên từ những vấp ngã của cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Năm 2011, do sự bồng bột của tuổi trẻ, Nhân dính vào lao lý và bị kết án 6 tháng tù treo. Được gia đình động viên và sự thông cảm của bà con lối xóm, Nhân vượt qua mặc cảm, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Sau đó, Nhân quay lại trường học và thi đậu Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ngành Công nghệ thông tin. Thế nhưng, chưa đầy 2 năm sau, Nhân phải từ bỏ giảng đường đại học về làm kinh tế để có tiền lo thuốc men cho mẹ bị bệnh nặng.
Thái Thành Nhân vươn lên phát triển kinh tế
Năm 2015, Nhân nhờ ba mẹ vay 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại, quây lưới để nuôi gà thả vườn. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, Nhân xuống Bến Tre mua giống gà nòi lai về nuôi. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên gà bị dịch bệnh chết dần. Không nản chí, Nhân tìm đọc sách, báo để biết nguyên nhân gà chết, đồng thời học hỏi kỹ thuật nuôi gà nòi lai để chăm sóc và phòng trị bệnh hiệu quả. Gà nòi lai Bến Tre thả vườn thịt thơm ngon nên giá bán từ 80-85 ngàn đồng/kg. Mỗi năm Nhân xuất bán 3 lứa, mỗi lứa khoảng 500 con (từ 1,6-2kg/con), thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. “Hiện nay, trên địa bàn xã và các khu lân cận người dân cũng muốn nuôi giống gà này. Vì vậy, tới đây tôi sẽ nhân rộng mô hình, đồng thời trang bị thêm máy ấp trứng để cung cấp gà giống cho người dân có nhu cầu” – Nhân cho biết.
Không chỉ phát triển chăn nuôi gà, Nhân còn tận dụng 3 sào đất bìa suối của gia đình để trồng ổi Đài Loan. Đến nay, ổi đã cho thu bói vụ đầu tiên được hơn 2 tấn trái, bán với giá 10 ngàn đồng/kg, mang lại cho Nhân thêm 20 triệu đồng.
Làm giàu bằng sức lao động
Năm 1999, anh Phan Thanh Thuận cùng mẹ từ tỉnh Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp theo diện kinh tế mới và được nhà nước cấp 2 ha đất để phát triển kinh tế. Anh Thuận cho biết: “Đến vùng đất mới, mẹ con tôi phải đi chặt cây rừng, cắt cỏ tranh dựng nhà ở và bắt đầu canh tác. Tuy nhiên, kinh tế còn khó khăn nên ai thuê gì mẹ con tôi lại gác việc nhà để đi làm thêm kiếm sống”.
Vườn trồng xen điều, tiêu, cà phê, bưởi của anh Phan Thanh Thuận
Ban đầu, anh Thuận trồng giống cà phê mít và một ít cà phê vối. Thấy những người đi trước trồng hai giống cà phê này năng suất thấp nên anh tự chiết, ghép giống cà phê vối với cà phê mít để đạt năng suất và sản lượng cao hơn, trung bình hơn 3 tấn/ha. Đặc biệt, giống cà phê ghép có khả năng kháng được một số bệnh và chịu hạn tốt hơn. Với kinh nghiệm tích lũy được từ vườn nhà, những lúc rảnh rỗi anh lại giúp người thân, bạn bè ghép, nhân giống cây cà phê. Đến nay, anh đã thuần thục kỹ thuật trồng, chiết, ghép cây cà phê như một kỹ sư lành nghề. Để tránh tình trạng “trồng – chặt – trồng” anh Thuận đã đa canh vườn cây. Đến nay, hơn 3 ha đất anh trồng thêm bưởi, điều, tiêu. Hầu hết cây trong vườn đều do anh tự tay chiết, ghép và nhân rộng hằng năm. Dưới tán 3 ha điều trưởng thành anh trồng xen cà phê và 100 gốc bưởi da xanh. Thời điểm cà phê và bưởi ra bông, kết trái anh chủ động tỉa nhánh điều để cà phê có thêm ánh sáng. Dưới gốc điều, anh trồng thử nghiệm và đã thành công với hơn 100 trụ tiêu, năng suất 10kg/gốc.
Để cây trồng sinh trưởng và phát triển bền vững, anh chủ yếu bón phân vi sinh tự chế. Tận dụng vỏ hạt cà phê khi bóc tách ra, anh trộn thêm phân bò, lân, kali với tỷ lệ thích hợp nhằm giảm chi phí phân bón cho vườn cây. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, từ vườn cây đa canh anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Theo BPO