Hồ tiêu đang là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, nhưng những năm gần đây, diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp, diện tích tăng nóng khó kiểm soát, tình trạng nông dân lạm dụng phân bón hóa học để tăng năng suất…
Vì thế, mới đây, tại hội thảo “Sản xuất, tiêu thụ và quản lý sâu bệnh hại cây hồ tiêu” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, việc thành lập những “bệnh viện cây trồng” cho hồ tiêu là rất cần thiết.
Nhà nông huyện Lộc Ninh thăm vườn để phòng trị bệnh cho hồ tiêu
Tiến sĩ Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, mô hình bệnh viện cây trồng rất phù hợp với sản xuất tiêu vốn đang chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ như hiện nay. Tiến sĩ Mai Oanh đề nghị trước mắt nên thí điểm với cây tiêu ở 2 vùng sản xuất trọng điểm là Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Ở Tây Nguyên, có thể thí điểm ở Đắk Lắk, còn Đông Nam bộ thí điểm ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo Ban quản lý Dự án bệnh viện cây trồng Việt Nam, hiện nay ở Đắk Lắk đã có 5 bệnh viện cây trồng tư vấn cho nông dân cách phòng trừ dịch bệnh trên nhiều loại cây, trong đó có cây tiêu, còn bệnh viện cây trồng riêng cho cây tiêu thì chưa có. Bởi vậy, sau buổi hội thảo, đại diện CABI đã cùng VPA xem xét việc mở một bệnh viện cây trồng cho riêng hồ tiêu ở Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
P. Thảo