Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 31-CT/TU của Tỉnh ủy Bình Phước về việc tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, trong 5 năm qua (2011-2016), Thị ủy Phước Long đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử ngành, đoàn thể, lịch sử đảng bộ các xã, phường. Đồng thời triển khai sâu rộng tuyên truyền, giới thiệu lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh trong thị xã.
Đoàn thám sát thực địa nghiên cứu lịch sử Đảng chụp hình tại vườn cây lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định ở thị xã Phước Long
Công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng trên địa bàn Phước Long đã đạt được những kết quả phấn khởi, như xuất bản Lịch sử Đảng bộ quân và dân Phước Long, 2 tập (1930-1975) và (1975-2005); Lịch sử Đảng bộ và nhân dân phường Phước Bình; các công trình đang biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã Phước Tín, Lịch sử lực lượng vũ trang và nhân dân Phước Long (1945-2015)… Đặc biệt, thị xã Phước Long đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhà tù Bà Rá và đấu tranh chống chế độ lao tù (1940-1945)”.
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Thị ủy Phước Long chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Thông qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhân dân Phước Long đối với công tác sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ. Các cuốn lịch sử đã xuất bản đều có chất lượng tốt, phản ánh khá sinh động, toàn diện quá trình xây dựng và trưởng thành của Phước Long; những đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc thị xã trong quá trình vận động cách mạng giành chính quyền, trong các cuộc kháng chiến kiến quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới. Kết quả nghiên cứu biên soạn tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời góp phần quan trọng vào giáo dục truyền thống và bồi đắp tình cảm cách mạng, lòng tự hào và lòng tin của nhân dân với Đảng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cùng với nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Phước Long chú trọng việc giảng dạy bộ môn Lịch sử trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, môn Lịch sử Đảng trong Trường Chính trị của tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã. Điều này rất quan trọng, đóng vai trò hết sức to lớn và sống mãi với các thế hệ hôm nay và mai sau, đem lại hiệu quả tốt hơn trong công tác giáo dục truyền thống.
M.An