Lộc Khánh là xã nghèo của huyện Lộc Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là người Khơme (43% số dân), sống tập trung 3/6 ấp nên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) rất khó khăn. Nhờ lồng ghép các chương trình hỗ trợ DTTS và sáng tạo trong huy động sức dân nên hết năm 2016, Lộc Khánh đã hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM và được huyện Lộc Ninh đánh giá là xã điển hình trong thực hiện Đề án 03 về làm đường giao thông theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân làm công trình”.

TẬN DỤNG NGUỒN LỰC LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG

Anh Nguyễn Nhật Giang, cán bộ giao thông – thủy lợi xã Lộc Khánh thuộc lòng các công trình giao thông – điện của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã vừa hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016. Năm qua, con đường sỏi đỏ nối trung tâm ấp Trà Đôn với Trường THCS Lộc Khánh dài 965m và đường sỏi đỏ ấp Ba Ven dài 1.015m hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng 400 triệu đồng từ Chương trình 135. Nhân dân phấn khởi hiến đất giải phóng mặt bằng mở rộng mặt đường. Cả 2 con đường này trước đây là đường mòn với chiều rộng mặt đường 2,5m, đủ cho xe ba gác lưu thông. Anh Giang cho biết, trong năm 2017-2018, nếu huyện hỗ trợ xi măng, cát, đá theo Đề án 03, Lộc Khánh sẽ bê tông hóa 2 con đường này.

Các thành viên Câu lạc bộ hồ tiêu ở xã Lộc Khánh vận động người dân tham gia Hiệp hội hồ tiêu

Những ngày giáp tết Nguyên đán 2017, con đường bê tông ở tổ 1, ấp Đồi Đá hoàn thành. Hai bên đường nhiều hộ phấn khởi sơn lại nhà cửa, xây cổng, hàng rào khang trang để đón tết. Đây cũng là công trình giao thông NTM thực hiện theo Đề án 03 của xã dài nhất với 2,7km, mặt đường bê tông 3m, tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 325 triệu đồng. Bê tông hóa đường tổ 1, xã đồng thời xây dựng mương thoát nước dài 284,5m, tổng kinh phí 281,175 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 91,578 triệu đồng, số còn lại huyện đầu tư theo Đề án 03.

Nói rõ hơn về công trình mương thoát nước, anh Giang cho biết, đây là nơi giáp ranh giữa tổ 1 (ấp Đồi Đá) với ấp 8, xã Lộc Điền và nếu không có mương thoát nước thì mùa mưa ngập úng sẽ phá hỏng đường giao thông. Đây cũng là bức xúc của cử tri 2 xã trong nhiều năm nay…

Là xã nghèo, đông đồng bào DTTS nhưng Lộc Khánh được Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Lộc Ninh bình xét điển hình trong thực hiện Đề án 03. Chỉ trong năm 2016, xã đã có 9 công trình giao thông và 1 công trình kênh thoát nước (Đề án 03) được hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí 4 tỷ 692,376 triệu đồng, trong đó vật tư huyện hỗ trợ 3 tỷ 278,685 triệu đồng, nhân dân đóng góp 1 tỷ 413,691 triệu đồng.

Cũng trong năm 2016, Lộc Khánh đã sửa chữa đường ở ấp Đồi Đá từ nguồn hỗ trợ của Công ty Thiên Hân 70 triệu đồng; sửa đường ngã ba cầu Sóc Lớn đến cầu Xóm Nùng, ấp Quyết Thành và đường cầu Xóm Nùng đi Dốc Đá, ấp Đồi Đá tổng kinh phí 32,374 triệu đồng, từ quỹ bảo trì đường bộ đối với nguồn thu phí từ xe môtô năm 2015.

NỖ LỰC ĐƯA ĐIỆN VỀ XÃ

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết, hiện Lộc Khánh có 96% hộ dân có điện, trong đó nhiều khu vực tuy có điện nhưng người dân phải trả giá cao và không an toàn. Bởi đường hạ thế đều do các hộ đóng góp kéo từ trạm biến áp về khu dân cư quá xa, hao hụt điện lớn và không bảo đảm an toàn trong mùa mưa; nhiều hộ chung một đồng hồ điện nên phải trả tiền điện theo lũy tiến cao… Tuy nhiên, để nâng thêm 2% hộ còn lại có điện là điều rất khó khăn (NTM là 98% hộ sử dụng điện), do địa bàn ở vùng sâu, xa, dân cư thưa, đường điện dài, ngành điện kinh doanh không hiệu quả nên khó đầu tư.

Đường bê tông và mương thoát nước ở tổ 1, ấp Đồi Đá – công trình giao thông NTM dài nhất ở Lộc Khánh, hoàn thành đi vào hoạt động năm 2016

Chủ tịch Trần Quang Vinh phân tích, khu vực chưa có đường điện trung – hạ thế nhà nước đầu tư chủ yếu tập trung ở ấp Đồi Đá, nơi thâm canh hồ tiêu của Lộc Khánh, đồng thời là ấp trọng điểm phát triển kinh tế nên rất cần có điện để giảm giá thành sản xuất. Do đó, Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm đã kiến nghị xin được đầu tư lưới điện cho khu vực này. Tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp công trình điện hạ thế và trạm biến áp ở khu dân cư tổ 4, ấp Đồi Đá đi vào hoạt động từ cuối tháng 11-2016 với tổng đầu tư 369,644 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 24 triệu đồng (để giải tỏa mặt bằng). Niềm vui lớn nhất trong tết Nguyên đán năm nay là 150 hộ dân ở các ấp Ba Ven, Đồi Đá, Cần Lê có điện thắp sáng nhờ công trình trung – hạ thế và trạm biến áp dài hơn 3km, tổng kinh phí 1 tỷ 745,343 triệu đồng từ nguồn vốn Điện lực Lộc Ninh, vốn nhân dân đóng góp 57 triệu đồng.

LINH ĐỘNG HUY ĐỘNG SỨC DÂN

Với 43% số dân là đồng bào DTTS, sống tập trung 3/6 ấp nên Lộc Khánh linh động trong tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng làm đường giao thông. Cụ thể, ở ấp Đồi Đá, dân thưa, kinh tế hộ khá nhưng đường dài nên Ban điều hành ấp phối hợp xã vận động nhân dân đóng góp tiền (6-7 triệu đồng/hộ) để thuê phương tiện máy móc thi công. Riêng ở 3 ấp DTTS, chủ yếu là đường xương cá ngắn, nhỏ, ít phương tiện lưu thông nên ban điều hành ấp, hội đồng già làng và xã phối hợp vận động nhân dân bỏ công lao động làm công trình, mỗi hộ chỉ đóng góp khoảng 200 ngàn đồng thuê máy trộn bê tông và mua nước uống trong ngày thi công…

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết thêm, năm 2014, chương trình xây dựng NTM ở Lộc Khánh chỉ đạt 3 tiêu chí: quy hoạch, hệ thống chính trị và y tế thì đến năm 2016 đã đạt 9 tiêu chí. Giao thông NTM mục tiêu chủ yếu là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của người dân nên Lộc Khánh làm đường đến đâu chắc đến đó và từ trung tâm khu dân cư lấn dần ra nối giao thông huyết mạch các ấp để lưu thông thuận lợi. Với phương thức này, nếu trong năm 2017, nhà nước hỗ trợ vật tư thì Lộc Khánh sẽ có thêm khoảng 10km đường giao thông được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2020, xã hoàn thành tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM là giao thông

Theo BPO

Từ khóa : ấp Đồi Đáđiện lướiLộc Khánh

Các tin liên quan đến bài viết