Tròn 100 năm, nghệ thuật cải lương muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi phải thay đổi quyết liệt chứ không thể cứ nhìn vào ánh hào quang của quá khứ.

Tại tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương: Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 27-12, nhiều đại biểu cho rằng nền nghệ thuật cải lương nước nhà đang được hồi sinh, khán giả đang dần quay lại với cải lương. Tuy nhiên, để cải lương phát triển bền vững trong tương lai thì cần tìm ra giải pháp đồng bộ để giải quyết nhiều khó khăn trước mắt.

Muốn tồn tại và phát triển, đòi hỏi cải lương phải thay đổi quyết liệt chứ không thể cứ nhìn vào ánh hào quang của quá khứ. “Cần cấp thiết khắc phục ba khuyết điểm lớn: Thứ nhất, sự thiếu hụt trong đội ngũ soạn giả, đạo diễn và diễn viên có tâm, có tầm với nghệ thuật cải lương. Thứ hai, chế độ, chính sách đối với người hoạt động trong lĩnh vực cải lương còn thấp, chưa theo kịp sự phát triển thị trường, do đó đa phần nghệ sĩ chưa sống trọn với nghề bằng chế độ lương cơ bản. Thứ ba, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trong khi rạp Hưng Đạo thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang được đầu tư xây mới nhưng vẫn chưa đáp ứng công tác tổ chức biểu diễn của một sân khấu hiện đại, đúng chuẩn. Cho nên hầu hết các đoàn cải lương công lập chưa có nơi để hoạt động ổn định, lâu dài, thiếu điều kiện đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu” – bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm.

Cải lương, làm gì để hồi sinh? - ảnh 1NSƯT Kim Tử Long mong muốn lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà hát dành riêng cho sân khấu cải lương.  Ảnh: T.PHƯƠNG

Tâm huyết với vấn đề hiện nay là thiếu nhà hát thực thụ dành cho sân khấu cải lương, NSƯT Kim Tử Long mong muốn lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà hát dành riêng cho sân khấu cải lương để nghệ sĩ có nơi biểu diễn. Điều này đóng vai trò quan trọng để vực dậy sân khấu cải lương. “Nhà nước, UBND TP giúp cho sân khấu cải lương có được rạp, bỏ tiền vào đó sửa chữa để chúng tôi có nhà hát để hoạt động, Nhà nước không cần bỏ tiền để tạo tác phẩm, mà chúng tôi là những người xã hội hóa, tìm chi phí tạo tác phẩm” – nghệ sĩ Kim Tử Long phát biểu.

“Bước qua thời kỳ hoàng kim của thập niên 60, 70, sân khấu cải lương tại TP.HCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung đang trong tình trạng thoái trào. Thiếu tác phẩm được đầu tư công phu, thiếu sân khấu đúng tầm, thiếu sự quan tâm cần thiết, thiếu chính sách hỗ trợ và hơn hết, nhiều lớp nghệ sĩ dù rất tâm huyết nhưng không đủ nguồn lực để bám nghề. TP.HCM hiện có một sân khấu duy nhất chuyên về lĩnh vực này nhưng lượng khán giả vẫn thưa thớt, trong khi nhiều đoàn xã hội hóa có sẵn vở hay thì lại tìm không ra sàn diễn hoặc giá thuê quá cao, không thể bù lỗ nên khó đi đường dài” –  TS-NSND Bạch Tuyết nêu ý kiến.

Còn theo TS Lê Hồng Phước, chuyên gia nghiên cứu và bình luận cải lương, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM: “Trước hết, các nhà quản lý và nghệ sĩ cải lương phải chấp nhận phân khúc thị trường. Cải lương không được phép độc tôn. Cải lương là một loại hình truyền thống, phải chấp nhận tồn tại song song với những loại hình khác. Thứ hai, hát cải lương khoan nghĩ đến việc đổi mới một cách vội vã mà cần làm cho hay, đúng với chất của cải lương trước đã”.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề có ý nghĩa to lớn mà muốn giải quyết rốt ráo phải trải qua nhiều thử thách. Bởi đây không phải là việc xây dựng một “cơ ngơi” mới mẻ, mà là “trùng tu” và phát triển một “cơ ngơi” đã có sẵn. “Tôi nghĩ rằng qua tọa đàm này, nhân dịp chúng ta ngồi lại cùng mổ xẻ, đề xuất với các cơ quan, bộ/ngành, sở/ ngành có liên quan, hy vọng sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới” – bà Thân Thị Thư phát biểu.

Theo TRÚC PHƯƠNG/PLO

Từ khóa : 100 NămÁnh Hào Quang Của Quá KhứKhông Thể Nhìn VàoNghệ Thuật Cải Lươngphát triểnThay Đổi Quyết Liệttồn tại

Các tin liên quan đến bài viết