Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời làm thợ rèn tại làng nghề Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Tính (52 tuổi) ngụ phường Tân Phú (Đồng Xoài) vẫn ngày ngày “giữ lửa” nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Ông Nguyễn Văn Tính ngày ngày vẫn giữ lửa nghề truyền thống của gia đình

Ở Minh Khánh ngay từ khi còn nhỏ, ông Tính đã quen thuộc với tiếng đe, tiếng búa, với những nông cụ được chế tác mỗi ngày. Khi chưa đầy 20 tuổi, ông đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm nghề rèn được học trực tiếp từ cha, ông. Với mong muốn quảng bá, phát triển nghề rèn của gia đình, ông đi đến nhiều tỉnh, thành để hành nghề. Năm 1993, ông quyết định ở lại Đồng Xoài và lập gia đình tại đây để tiếp tục phát triển nghề truyền thống của quê mình. Với số vốn ít ỏi, mới đầu ông mở một tiệm rèn nhỏ ở bên đường Phú Riềng Đỏ (nay thuộc khu phố Tân Bình, phường Tân Bình). Tất cả sản phẩm đều được khắc số 333 như một thương hiệu riêng cho sản phẩm của ông. Chỉ trong vài năm, tiệm rèn của ông dù không có bảng hiệu, không quảng cáo nhưng chính chất lượng của sản phẩm do ông làm ra đã thu hút ngày càng nhiều người tìm đến. Ông Tính kể: Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt, kinh nghiệm, khéo léo và cả sự sáng tạo. Mỗi sản phẩm nông cụ ở mỗi vùng miền đều có sự khác nhau về hình dáng, kích thước lẫn mục đích sử dụng nên người thợ phải am hiểu để tư vấn, chế tác ra những sản phẩm tốt và phù hợp yêu cầu của khách hàng.

Nhớ lại những năm 1996-2000, tiệm của ông mỗi ngày làm ra từ 40-60 sản phẩm nông cụ khác nhau (dao cạo mủ, cuốc, xẻng, dao phát, đồ dùng gia đình…). Trừ chi phí, mỗi ngày ông thu nhập từ 400-500 ngàn đồng. Duy trì nghề truyền thống của gia đình, ông đã tích cóp, dành dụm mua được vườn rẫy, làm nhà, nuôi dạy các con học hành.

Làm nghề thợ may nên ông Cương, chủ tiệm may Thủy Cương tại chợ Minh Lập (Chơn Thành) rất quan tâm đến độ sắc, bén và chất lượng cây kéo của mình. “Hơn 10 năm nay, dù chạy quãng đường gần 20km nhưng mỗi lần làm kéo, mài kéo hay vật dụng gia đình tôi đều tìm đến tiệm của ông Tính để làm” – ông Cương cho biết.

Ông Tính cho rằng, để làm ra một sản phẩm tốt, người thợ phải đánh giá được chất lượng của sắt thông qua kinh nghiệm làm nghề. Khi nung, rèn, người thợ phải biết điều chỉnh nhiệt độ của lửa và thời gian nung phù hợp. Nếu sắt non, sản phẩm dễ bị sứt, mẻ, móp méo. Ngược lại, nếu sắt già quá, sản phẩm làm ra sẽ giòn, nứt và dễ gãy. Có những sản phẩm sử dụng chỉ vài tháng nhưng cũng có sản phẩm có thể dùng vài chục năm. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để khách hàng đánh giá sản phẩm có đạt chất lượng, có xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Những sản phẩm chất lượng thường được làm từ nhíp xe ôtô nhập ngoại, lưỡi cưa hay chảo cày của máy cày…

Tính đến nay, ông Tính đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề. Giờ đây dù có các dụng cụ hỗ trợ như máy mài, quạt gió, máy cắt, máy hàn nhưng do điều kiện làm việc khắc nghiệt nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Dù không thể làm nhiều như trước, nhưng ngày ngày ông vẫn đỏ lửa, giữ nghề rèn truyền thống của quê hương.

Đức Hinh

Từ khóa : 40 nămgiữ lữanghề rènnghề truyền thống

Các tin liên quan đến bài viết