Ở những nước nổi tiếng về chất lượng đào tạo trên thế giới, niềm vui và sự phát triển lành mạnh của trẻ về thể chất cũng như tinh thần khi đến trường đã trở thành mục đích tối thượng trong triết lý giáo dục.
Theo một nghiên cứu toàn cầu về tâm trạng của học sinh do OECD/PISA thực hiện năm 2015 với khoảng 540.000 học sinh tại 72 quốc gia, trong thập kỷ qua tâm trạng hạnh phúc của các em đã suy giảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu là: thi cử quá nhiều, bị bắt nạt, bị cô lập trong xã hội hoặc chất lượng sống tại gia đình kém.
Phần Lan: chơi sớm, học muộn
Tại Phần Lan – quốc gia có hệ thống trường học toàn diện, luôn được xếp hạng là một trong những hệ thống giáo dục có chất lượng cao nhất ở châu Âu trong 18 năm qua, nền tảng để trẻ học tốt và luôn cảm thấy hạnh phúc ở trường được gây dựng từ nhiều năm trước lúc trẻ chính thức đi học khi 7 tuổi.
Tại các trường mầm non, người ta không chú trọng tới toán, đọc hay viết (chỉ được dạy khi chúng 7 tuổi và bắt đầu vào lớp 1).
Bà Tiina Marjoniemi, giám đốc Trung tâm giáo dục mầm non Franzenia, nói: “Chúng tôi tin rằng trẻ dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để học. Chúng cần thời gian để chơi và hoạt động thể chất. Đó là thời gian dành cho sáng tạo”.
Những năm đầu đời với trẻ ở Phần Lan chỉ là phát triển sức khỏe và tinh thần hạnh phúc. Các trường mầm non sẽ dạy trẻ phát triển các thói quen xã hội tốt như học cách kết bạn và tôn trọng người khác, biết tự mặc quần áo và vệ sinh cá nhân, làm giàu ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.
Cùng với đó là chú trọng hoạt động thể chất (ít nhất 90 phút chơi ngoài trời mỗi ngày). Báo Guardian dẫn ý kiến của chuyên gia giáo dục Phần Lan Pasi Sahlberg: “Trường mầm non ở Phần Lan không dành để chuẩn bị cho trẻ học hành chính thức. Mục đích chính của nó là đảm bảo cho trẻ trở thành những công dân hạnh phúc và có trách nhiệm”.
Úc: điều tích cực lan tỏa
Tại Trường tiểu học Parkmore ở Úc, vài năm qua trong giờ ăn trưa, thay vì các em học sinh thi nhau “tố” với thầy cô về một hành vi xấu nào đó của bạn mình, chúng bắt đầu nói về những điều tốt đẹp quan sát thấy trong cư xử của bạn mình.
Parkmore là một trong nhiều ngôi trường tại 13 quốc gia đã và đang thực hiện chương trình Positive Detective (nhận ra điều tích cực). Mục đích của chương trình là dạy trẻ cách tìm kiếm những điều tốt đẹp xung quanh và chia sẻ điều đó với những người khác.
Bà Lea Waters, một trong hai người xây dựng chương trình, cho biết mục đích của chương trình nhằm dạy các em cách tập trung vào môn học trong khi lên lớp, nhưng cũng đồng thời biết nhận diện những khía cạnh cảm xúc/suy nghĩ tiêu cực, từ đó có thể kiểm soát và thay đổi.
Trẻ còn được bồi đắp những trải nghiệm như lòng biết ơn, nuôi dưỡng lòng tự tin về khả năng của bản thân, học cách chia sẻ các câu chuyện tích cực để tăng thêm cảm xúc tích cực.
Theo bà Lea, không chỉ ở trường, chương trình học còn bao gồm việc trẻ sẽ mang những niềm vui, câu chuyện tích cực đó về nhà chia sẻ cùng cha mẹ, viết thư cảm ơn và tìm kiếm những điều tích cực ngay trong các hoạt động của gia đình. Từ đó, nhiều ông bố bà mẹ đã kể về những cuộc trò chuyện vui vẻ, ấm áp bên mâm cơm tối của gia đình nhờ kết quả từ chương trình học.
Một nghiên cứu xuất bản trong tháng 11-2017 trên tạp chí Review of Educational Research sau khi đánh giá kết quả nghiên cứu trong suốt 15 năm về vai trò của môi trường giáo dục tích cực đã khẳng định: một trường học hạnh phúc có thể bù đắp rất nhiều cho những ảnh hưởng tiêu cực từ sự thiếu thốn vật chất.
Thêm môn học hạnh phúc ở Delhi, Ấn Độ
Từ giữa năm nay, các trường học ở thủ đô Delhi của Ấn Độ đã có thêm môn học “hạnh phúc” bên cạnh các môn toán, văn, lý, hóa… nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần và giúp các học sinh hạnh phúc hơn. Theo đó, tùy theo độ tuổi, mỗi ngày các em sẽ được học thiền định 30-45 phút.
Trong giờ học đó, giáo viên sẽ hướng dẫn các em nhắm mắt lại, tập trung lắng nghe cơ thể, hơi thở, lắng nghe mọi âm thanh xung quanh và phân biệt rành rẽ từng loại âm thanh trong đó.
Nguồn: tuoitre.vn