Bà Nguyễn Thị Vân Anh (tổ chức CSAGA) cho biết khảo sát ở 3 tỉnh thì có tới 14% trẻ em từng bị xâm hại. Người ta hoảng sợ về con số này nhưng ai cũng nghĩ là “nó” chừa con mình ra. Dưới đây là góc nhìn của bà xung quanh câu chuyện một hiệu trưởng bị tố xâm hại học sinh ở Phú Thọ.
Trong sự việc ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), báo chí đừng phỏng vấn nhiều lần các nạn nhân. Các em cứ phải kể đi kể lại một câu chuyện vô cùng cay đắng như vậy thì giống như bị hại thêm một lần nữa.
Vì sao hãy để cho các em yên?
Việt Nam hiện chưa có hệ thống chuyên nghiệp để trị liệu các sang chấn tâm lý. Việc đơn giản mà chúng ta có thể làm và ít tốn kém, đó là để thời gian xoa dịu các em.
Các em sẽ bị sang chấn rất nặng. Họ sẽ vẫn tiếp tục sống và tìm cách xốc lại đời sống của mình thôi. Cứ hỏi đi hỏi lại những câu chuyện đó thì các em và gia đình còn bị sang chấn thêm.
Những người xung quanh các em hãy nói đến những điều tốt đẹp, hãy coi đó như là một tai nạn, đừng coi như chuyện gì quá kinh khủng thì sẽ qua. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, tôi nghĩ rằng hãy nên để yên cho họ, để họ có thể quên đi.
Nếu Nhà nước coi đây là một vấn đề, thì về mặt y học, cần có những bác sĩ thực sự để trị liệu những tổn thương về thân thể, tinh thần của người bị xâm hại tình dục.
Xét về mặt quản lý Nhà nước, nếu như coi đây là một vấn đề, thì những người làm công tác xã hội cần được đào tạo bài bản hơn.
Hệ thống cán bộ xã hội sẽ phải được phân chia và có biên chế ở cơ quan nào đó để họ hỗ trợ cho những trường hợp này.
Ví dụ, trong trường học ở Hà Nội, theo tôi được biết là có biên chế cho cán bộ tư vấn, thì không biết là đã có trên toàn quốc chưa hay mới chỉ ở Hà Nội.
Cán bộ tư vấn phải được đào tạo bài bản. Cao hơn nữa là phải có những người làm công tác trị liệu chuyên môn như ở bệnh viện tuỳ theo mức độ và sự tự nguyện của mỗi em chọn hình thức nào để lấy lại sự cân bằng cho đời sống của mình. Nói chung là cần phải có những dịch vụ mang tính sẵn có.
Trước đây, chúng tôi từng có nghiên cứu ở Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Giang cho ra một con số là khoảng 14% các em từng bị ít nhất 1 hình thức xâm hại tình dục. Có những em bị tới 14 lần. Người ta hoảng sợ về con số này nhưng ai cũng nghĩ là nó chừa con mình ra.
Đó là lý do mà mỗi khi có một vụ nào đó là người ta lại ào lên đi học những kỹ năng chống xâm hại tình dục.
Đã đến lúc coi như đây là một việc làm thường xuyên, là kỹ năng an toàn tối thiểu cho trẻ em giống như những kỹ năng khác.
Trong trường học thì đương nhiên, tôi nghĩ rằng phải có một chính sách thực sự của người đứng đầu.
Chúng ta chi ngân sách cho rất nhiều chương trình giáo dục khác, nhưng trong đó đã có phần nào dành cho việc này chưa?
Và chúng ta đã coi như vấn đề giới và giới tính trong trường học là vấn đề dứt khoát phải lồng ghép một cách nghiêm túc và nhất định phải làm hết mình chưa?
Nguyễn Thị Vân Anh(CSAGA)
Tại buổi làm việc với các trường học, thầy cô của tỉnh Yên Bái ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong giáo dục, giải quyết hiện tượng xâm hại học sinh thì phải đi từ gốc. Khi đi từ gốc, học sinh phải được giáo dục giới tính, có những kỹ năng để phòng chống xâm hại. Các em phải được trang bị khả năng tự vệ. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị rất chu đáo và bài bản, tăng cường giáo dục giới tính và tư vấn cho học sinh. Nhìn nhận từ vụ việc hiệu trưởng lạm dụng nam sinh ở Phú Thọ, ông Nhạ cho rằng “rất nhiều vấn đề nảy sinh vì môi trường thiếu dân chủ, đến khi bùng phát ra mới biết”. Vì vậy, đây là “hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nhà giáo”, là “bài học sâu sắc cho các trường về thực hiện dân chủ”. |
Nguồn: vietnamnet