Trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình một lần nữa chứng minh nếu để đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo ghi bàn trước thì đối thủ hết hy vọng lội ngược dòng
Lối chơi 3-4-3 của HLV Park Hang-seo vốn đã được mổ xẻ rất nhiều sau 2 chiến tích á quân U23 châu Á 2018 và lọt vào bán kết ASIAD 2018. Từng vị trí trên sân cũng đã được phân tích kỹ lưỡng, thậm chí giới chuyên môn cho rằng lối đá của nhà cầm quân người Hàn Quốc mang hơi hướng cổ điển, không thuộc kiểu bóng đá hiện đại. Vậy thì tại sao không một đối thủ nào ngăn cản được tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018, dù lối đá đã bị bắt bài?
Khó tính từ khâu chọn người
Ai cũng thấy dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, điểm mạnh lớn nhất của đội tuyển Việt Nam (hay trước đó là lứa U23, lứa Olympic) là áp dụng tính cách thực dụng, hiệu quả của người Hàn Quốc. Theo ông Lê Huy Khoa, nguyên trợ lý ngôn ngữ của HLV Park, chiếc cúp vàng Đông Nam Á giành được tối 15-12 một lần nữa chứng minh rằng nếu để tuyển Việt Nam ghi bàn trước thì sẽ khó thắng được họ.
“Khi nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam, xem lại băng ghi hình, HLV Park đã tìm ra điểm chết người của đội tuyển chúng ta, đó là thua nhiều ở những thời khắc quyết định, nhất là từ phút 70 trở đi. Do thể lực các cầu thủ đã giảm sút, không còn độ tập trung để đeo bám và bọc lót nữa, nên tuyển Việt Nam thường thủng lưới hoặc thua ngược. Từ đó, ông đã từng bước tìm ra giải pháp” – ông Lê Huy Khoa phân tích.
Quang Hải phải tham gia phòng ngự từ xa dù các trận cuối được trả lại vị trí hộ công Ảnh: Hải Anh
Để giải quyết vấn đề mà nhiều thế hệ trước đây luôn lấy ra làm lý do để bào chữa cho thất bại, HLV Park Hang-seo không thay đổi cầu thủ ở hàng thủ quá nhiều. Ông thường ưu tiên chọn những cầu thủ đã hiểu nhau, có kinh nghiệm, có trải nghiệm cùng nhau và bọc lót với nhau như một thói quen bản năng. Không phải chỉ ở giải AFF này, ở U23 và cả ASIAD, hàng phòng ngự luôn được tập không bóng rất kỹ trong các buổi tập. Nhất là Quế Ngọc Hải, một trung vệ đẳng cấp của bóng đá Việt Nam nhưng lại chưa có nhiều thời gian đá chung với Duy Mạnh và Đình Trọng, vì vậy càng phải tập luyện nhiều.
Chính nhờ sự khó tính trong khâu chọn người, thậm chí chấp nhận đối mặt với chỉ trích từ truyền thông, HLV Park đã biến hàng phòng ngự tuyển Việt Nam trở thành “lá chắn thép” làm nản lòng những hàng tấn công mạnh nhất. Nếu 10 năm trước, Công Vinh đánh đầu gỡ hòa giúp tuyển Việt Nam giành cúp từ tay Thái Lan trong một trận đấu giàu cảm xúc thì ngược lại, khi Anh Đức sút tung lưới Malaysia từ khá sớm, cảm xúc của người hâm mộ không còn bùng nổ nhiều vì trong suốt 1 năm theo dõi các đội tuyển của HLV Park thi đấu, cảm giác an toàn ở hàng phòng ngự là có thật, khiến các CĐV tin rằng đội khách không còn hy vọng lội ngược dòng. Thực tế đã chứng minh đúng.
“Tập trung 5 phút và 18 lần”
Nếu nghe qua sẽ nghĩ đó là một câu nói khó hiểu nhưng thực tế, đó là một mệnh lệnh mà các cầu thủ khi lên tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo đều học nằm lòng và tuân thủ. Ông Lê Huy Khoa giải thích: “HLV Park chỉ đạo cầu thủ theo hướng “tập trung 5 phút và 18 lần”, nghĩa là mỗi quãng tập trung tinh thần sẽ là 5 phút, nhân 18 lần liên tục như vậy là 90 phút của trận đấu. Tóm lại là lúc nào cũng tập trung, tập trung triệt để từng giây, từng phút và từng cầu thủ. Ai thiếu tập trung, lập tức bị ông nhắc nhở với động tác hai tay chỉ vào đầu và hét lớn “Chipchung, chipchung”. Ai bị nhắc nhiều thì khó có cơ hội đá chính trận tiếp theo”.
Phòng thủ chính là triết lý bóng đá của HLV Park. Không thua bàn thì sẽ thắng, mọi cầu thủ sẽ được yêu cầu tập trung phòng ngự ở giữa sân trở đi, phòng ngự theo vị trí và dồn cự ly đội hình chỉ còn 30 m, khiến cho cầu thủ đội bạn không có khoảng không để ban bật. Tuyển Việt Nam dùng sức mạnh tập thể để khắc phục sự xuống thể lực nếu có và khi cầu thủ đội bóng đối phương đã vào khu vực phòng ngự của sân nhà thì phải tìm mọi cách để quyết liệt phá bóng, giành bóng lại ngay tức khắc. Đặc biệt, sau trận hòa 2-2 ở chung kết lượt đi, HLV Park đã họp đội, chỉ ra những điểm chưa được nhưng ông không lớn tiếng mà phân tích rõ cho toàn đội hiểu rõ, không được phạm lỗi ở phần gần khung thành đội nhà để cầu thủ đội bạn tiếp tục sử dụng bóng bổng.
Việc sửa chữa, chỉ ra những điểm sai ngay lập tức sau mỗi trận đấu đã giúp tuyển Việt Nam ít thua bàn hơn. Riêng các cầu thủ sau khi thắng thường hay lâng lâng và chủ quan, nhưng có lẽ dưới bàn tay ông Park thì không có điều đó, ai mất tập trung đều sẽ bị “bắn rụng xuống mặt đất” ngay tức khắc. Vì thế cầu thủ chúng ta ít bị phân tâm bởi những chiến thắng trước đó, hay là những việc ngoài bóng đá. HLV Park cho thấy ông không nể nang ai, mắc sai sót thì ngồi ghế dự bị hoặc tập lại cho đến khi hoàn chỉnh.
Chúng ta hiểu chúng ta Mang tuyển Việt Nam hiện tại ra so sánh với các thế hệ trước đây, rõ ràng lứa Quang Hải, Công Phượng đã bản lĩnh hơn rất nhiều. Sân Mỹ Đình vẫn nhớ như in thời khắc của Toshiya Miura năm 2014, khi nhà cầm quân người Nhật chết đứng trên băng ghế huấn luyện, còn hàng triệu trái tim người hâm mộ thổn thức khi chứng kiến Malaysia 4 lần sút tung lưới tuyển Việt Nam ngay trong hiệp 1 ở trận bán kết lượt về. Nhìn cách đá của tân vô địch AFF Cup 2018, ông Lê Huy Khoa phân tích cái hay của người Hàn Quốc là làm việc khá chi tiết và cụ thể, chuẩn bị rõ ràng và phân tích kỹ về đối phương: “HLV Park thường nói “chúng ta đã hiểu chúng ta”. Các cầu thủ đều đã được dặn dò đầy đủ về những sai sót đã gặp phải trong thời gian vừa qua, từ đó khắc phục để ngày càng hoàn thiện”. |
Theo Người Lao động