Bệnh nhân ung thư phải chịu đựng những cơn đau hành hạ ngày này qua ngày khác. Ngoài nghị lực chiến đấu với bệnh tật, điều trị chăm sóc giảm nhẹ được coi là cứu cánh giúp người bệnh hồi sinh từ án tử.

Cơn lốc ung thư: Để vơi đi nỗi đau - Ảnh 1.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM 

Từ năm 2012, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân, trong đó có gần 90% bị ung thư phổi không còn lây nặng giai đoạn cuối, giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Ít nặng nề hơn

TS.BS Phan Vương Khắc Thái (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP) cho biết các bệnh nhân thuộc thể bệnh phổi như ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi… khi nhập viện đã ở giai đoạn cuối điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả. Họ thường có nguy cơ cao chịu nhiều đau khổ do các triệu chứng nặng và dai dẳng. Kéo theo là các rối loạn hô hấp, bệnh thường xuyên tiến triển khiến cho việc điều trị có thể làm nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Với các trường hợp bệnh nhân này, chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) mang lại cho bệnh nhân ung thư nhiều lợi ích như chất lượng cuộc sống tốt hơn, đạt được sự thỏa mãn ở người bệnh và gia đình bởi sự hiểu biết bệnh được cải thiện. Người bệnh sẽ ít phải gánh nặng triệu chứng, ít trầm cảm và việc chăm sóc cuối đời ít nặng nề. Đó cũng là lý do CSGN được khuyến cáo áp dụng cho bệnh nhân di căn hay triệu chứng dai dẳng.

Bác sĩ Quách Thanh Khánh – trưởng khoa CSGN, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho rằng triệu chứng đau và chịu đựng về đau là biểu hiện thường gặp ở người nhiễm HIV, ung thư và những người mắc các căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Cụ thể, có từ 60 – 80% số người nhiễm HIV và ung thư có biểu hiện đau đớn, suy sụp tinh thần, đặc biệt trong thời gian cuối đời. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay chỉ có số ít bệnh nhân có thể tiếp cận được với việc CSGN này.

Dinh dưỡng và phương pháp điều trị rất quan trọng

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa, thực sự là báo động.

Trước đây, với những người phụ nữ mang trên mình thiên chức làm mẹ, họ phải đau đớn quyết định lựa chọn “một trong hai” – điều trị ung thư hoặc sinh đẻ. Nay với đề tài nghiên cứu “phẫu thuật bảo tồn tử cung” đối với bệnh nhân trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn sớm của nhóm bác sĩ Tiến đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn bà mẹ trẻ.

Với phương pháp điều trị này, mới đây các bác sĩ khoa ngoại 1 tiến hành phẫu thuật bảo tồn thành công trong điều trị ung thư cổ tử cung cho một bệnh nhân 30 tuổi (quê Vĩnh Long) bị ung thư cổ tử cung nhưng lại mong muốn sinh con. Đây là lần đầu tiên phẫu thuật bảo tồn này được thực hiện ở phía Nam, cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung.

“Đây là bài toán khá hóc búa liên quan các khoa phẫu – hóa – nội tiết- miễn dịch. Hiện tại ở nước ta chưa thực hiện nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để đem lại hạnh phúc nhỏ nhoi cho người phụ nữ trẻ bị ung thư có niềm hi vọng có con” – bác sĩ Tiến tâm sự.

Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng tình trạng dinh dưỡng kém là yếu tố tiên lượng quan trọng đối với người bệnh bị ung thư. Do đó vấn đề hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân trước và trong quá trình điều trị là điều sống còn.

Cụ thể, đối với các bệnh nhân ung thư thực quản và ung thư đầu cổ thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn với các triệu chứng khó nuốt nên dinh dưỡng kém. Tình trạng này kéo dài trong quá trình điều trị khiến người bệnh càng sa sút hơn.

Với thực tế này, trước đây các bệnh nhân thường được nuôi ăn qua ống thông mũi, dạ dày với rất nhiều phiền toái và biến chứng. Chỉ khi nào bệnh nhân không thể đặt ống thông mũi, dạ dày mới phải mổ dạ dày ra da để nuôi ăn. Các biến chứng của mổ mở dạ dày khá cao, chiếm 25 – 48%, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn vết mổ, rò chân ống mở dạ dày.

“Để giảm thiểu nguy cơ, đồng thời giúp bệnh nhân tiếp nhận dinh dưỡng một cách tốt nhất, mới đây đơn vị đã thực hiện thành công mở dạ dày ra da qua nội soi giúp người bệnh có cơ hội tiếp dinh dưỡng một cách an toàn, hiệu quả” – PGS.TS Phạm Hùng Cường (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) nói.

Về dinh dưỡng, mới đây nhóm của điều dưỡng Hồng (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) tiến hành khảo sát trên 210 điều dưỡng tại 15 khoa lâm sàng của bệnh viện. Kết quả cho thấy gần 46% điều dưỡng cho rằng bác sĩ mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh hoặc nếu tư vấn chỉ khi bệnh nhân có nhu cầu.

“Rào cản lớn nhất dẫn đến việc không coi trọng tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ung thư là do thiếu thời gian, quá tải công việc, thiếu phương tiện thực hiện tư vấn, hoặc thiếu kiến thức…” – khảo sát đánh giá.

Các chuyên gia y tế cho biết dinh dưỡng chính là một trong những yếu tố chính trong việc hỗ trợ bệnh nhân ung thư, ảnh hưởng đến sự tiến triển, đáp ứng và phục hồi của bệnh. Thế nhưng nhận thức tư vấn dinh dưỡng trong đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng, còn hạn chế.

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chịu đau nhiều

Một đánh giá của Vụ Điều trị (Bộ Y tế) tại 5 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM và An Giang mới đây cho thấy triệu chứng đau là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là người giai đoạn cuối chiếm 79,5%.

Tuy nhiên các biện pháp xử trí còn rất hạn chế, đa số bệnh nhân báo cáo vẫn bị đau dù được điều trị, phần lớn họ phải chịu đựng cơn đau về thể xác.

Chăm sóc giảm nhẹ là gì?

Chăm sóc giảm nhẹ là một chuyên ngành đa nhóm bao gồm nội khoa, điều dưỡng, công tác xã hội, tôn giáo…, chú trọng vào việc cải thiện cuộc sống của người bệnh mắc bệnh nặng và tâm lý của gia đình người bệnh.

Bằng việc điều trị giảm đau, các vấn đề về tâm lý, tâm linh, dùng kỹ năng thông tin mới để thiết lập mục tiêu điều trị và giúp gắn kết việc điều trị với mục tiêu của từng cá nhân riêng biệt.

Về lý tưởng, chăm sóc giảm nhẹ bắt đầu từ khi chẩn đoán bệnh và kết hợp đồng thời với việc điều trị nhằm đạt hiệu quả điều trị, chi phí thấp và người bệnh dễ tiếp cận.

6-19% bệnh nhân ung thư vú có tính chất di truyền

mổ ung thư

Một ca phẫu thuật ung thư phụ khoa được các bác sĩ khoa ngoại 1 (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) thực hiện 

Một nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết độ tuổi bị ung thư vú thường gặp ngoài 40 tuổi, trong đó từ 6-19% bệnh nhân bị bệnh có tính chất di truyền.

Ngoài ra, các yếu tố như tuổi, giới tính, tiền sử sinh sản, tuổi mãn kinh, tuổi hành kinh, sử dụng liệu pháp hormone thay thế, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động… là các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh nhânđiều trịung thưung thư phổiung thư vú

Các tin liên quan đến bài viết