Mùa tựu trường đối với du học sinh lần đầu xa quê luôn có hai tâm trạng: hào hứng và lo âu. Liệu thử thách nào đang chờ đón họ trong môi trường hoàn toàn xa lạ về cách học, lối sống?
Ba bạn trẻ đang du học tại Mỹ, Anh và Thái Lan cùng chia sẻ kinh nghiệm về những băn khoăn này.
Suy nghĩ độc lập, làm thêm vừa sức
Nguyễn Thị Ngân Hà (học thạc sĩ về phân tích kinh doanh dựa trên dữ liệu tại ĐH Hoa Kỳ – thủ đô Washington DC), chia sẻ: Suốt thời phổ thông, học sinh nước mình dễ quen kiểu đọc chép, học thuộc nhưng khi vào ĐH phải tiếp cận nhiều môn học mới, lượng kiến thức lớn, đòi hỏi khả năng tư duy, tính chủ động.
Trước khi nhập học, tân sinh viên (SV) nên đến thăm trường, gặp giáo viên và nhân viên khoa để hỏi thăm chương trình học, gặp mặt một số anh, chị khóa trước, cựu SV để nắm thông tin cụ thể, từ đó vạch ra con đường học tập và phấn đấu nghề nghiệp cho bản thân từ năm nhất.
Với các bạn chuẩn bị du học, mỗi quốc gia sẽ có đặc trưng riêng về giáo dục. Du học sinh cần tìm hiểu kỹ phương pháp học, tư duy, cách tra cứu thông tin, trích dẫn tài liệu.
Các nước phát triển đánh giá cao lối suy nghĩ độc lập, đạo đức trong học tập, sức sáng tạo riêng của mỗi cá nhân từ khi còn ngồi ghế nhà trường nên các bạn cần trang bị không chỉ kiến thức mà còn tư duy sắc bén, tác phong nghiêm túc, bản lĩnh để sớm hòa nhập.
Dù sống ở đâu, SV Việt Nam thường sắp xếp lịch học, đi làm thêm để có kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị dần kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ cho giai đoạn sau tốt nghiệp. Điều này sẽ hao tốn thời gian đáng kể nên các bạn cần chú ý tìm hiểu thị trường lao động, nộp đơn ứng tuyển sớm để đỡ căng thẳng trong quá trình chờ việc, tránh tạo áp lực, căng thẳng khi mới đi làm.
Mỗi quốc gia sẽ có quy định riêng về việc làm của SV quốc tế như số giờ mỗi tuần, làm trong khuôn viên hay ngoài trường. Tùy thời điểm, yếu tố may mắn và năng lực, SV có thể tìm được công việc vừa sức.
Học hỏi từ bè bạn
Theo Tôn Nữ Tường Vy (đang theo học ngành giáo dục và phát triển quốc tế, Viện Giáo dục IOE, Vương quốc Anh), sự đa dạng của SV trong lớp chính là sức sống của khóa học, truyền cảm hứng và năng lượng mới cho mỗi SV, thầy cô tham gia.
Sách vở, khóa học đều có trên mạng và không chừng sẽ lạc hậu. Nhưng du học tạo cơ hội cho tình bạn thân và nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Để tận dụng nguồn lực đó, nên:
Thứ nhất, khi được phân nhóm, mình thường chủ động nắm thông tin liên lạc, tìm hiểu từng bạn. Khi đọc bài ở nhà, mình thường viết tóm tắt và đặt câu hỏi. Đến lúc họp mình trao đổi điều đã hiểu lẫn chưa hiểu. Đừng “giấu dốt” vì không chừng bạn bè khác cũng đang không hiểu bài y như bạn.
Thứ hai, hãy để ý một bạn để chơi thân. Đó nên là người bạn vừa mến phục tài năng vừa gần gũi tính cách. Ngoài ra, khi có dịp cà phê, hãy tìm cách nói chuyện sâu với từng người, nói về bài luận đã viết, quyển sách, bài báo, phần thuyết trình hay mà nhóm đã tiếp cận.
SV có thể giới thiệu cho nhau những dự án, ý tưởng thú vị sắp diễn ra ở mỗi quốc gia. Nhờ thế, mình có thể giữ liên lạc lâu dài với bè bạn quốc tế, lên kế hoạch du lịch, thăm bạn bè và trải nghiệm các dự án trong tương lai.
Thứ ba là thảo luận nhóm theo đề tài. Cứ 3-4 tháng một lần, mình lên Facebook lớp thông báo ngày đó, giờ đó muốn thảo luận về một đề tài cần thiết như giảng dạy cho người lớn, giáo dục cho người tị nạn… Ai có ý tưởng, kinh nghiệm muốn chia sẻ thì tham gia, tối đa bốn người. Kết nối là thứ giúp chúng ta đi tiếp trên con đường dài và lấy lại động lực để vượt qua những phút nản lòng.
Thứ tư, vẫn học dù thầy cô không dạy. Mình vào trường đúng năm học thầy cô đình công suốt hai tháng. Tài liệu đọc và tệp bài giảng đã có trên website trường nên ở nhà tự học. Tuy nhiên, tụi mình cần đến lớp để trao đổi ý tưởng, góc nhìn, câu chuyện trải nghiệm. Vì vậy, mình kêu khoảng 3-4 bạn lập nhóm đọc bài, gặp nhau cùng thảo luận.
Tìm hiểu phong tục tập quán bản địa
Hoàng Phạm Gia Khang (sinh viên năm 2 khoa công nghệ thông tin ĐH Chulalongkorn, Thái Lan) “bật mí”: Trước khi đi học xa nhà, mình phải tìm hiểu phong tục tập quán, lưu ý các cấm kỵ tại vùng đất sẽ theo học. Có những điểm dễ thích nghi, có điểm quá khác biệt nhưng phải khép mình sống chung và biết trước để không vô tình “động chạm” văn hóa địa phương.
Chương trình học sử dụng tiếng Anh nhưng bước ra khỏi lớp Khang phải nói tiếng Thái với người dân địa phương. Lúc mới qua mình cứ huơ tay múa chân rồi bắt chước những câu giao tiếp thông dụng, cũng nhanh lắm!
Để phòng thân, trước khi du học mình cấp tốc luyện aikido trong hai tháng. Mặc dù đoạn đường mỗi ngày của mình chỉ từ nhà đến trường và thư viện nhưng biết vài đường võ cơ bản vẫn yên tâm hơn.
Việc làm thêm của Khang hơi đặc thù. Một là tham gia lớp tiếng Anh giao tiếp tại trung tâm tự học tiếng Anh của trường. Tại đây, các SV quốc tế như Khang trao đổi và dạy tiếng Anh cho SV Thái theo giờ. Hai là phụ việc cho văn phòng giáo sư, có lẽ mình hay ngồi bàn đầu nên được giáo sư chú ý, chủ động mời mình làm công việc giấy tờ phụ ông.
Nguồn: tuoitre.vn