Cuối năm, nhu cầu cho vay tăng cao cũng là lúc các công ty tiêu dùng và những trang cho vay trực tuyến tung nhiều chiêu để chèo kéo. Vì vậy, người vay nên cân nhắc khả năng trả nợ và tìm hiểu kỹ các điều kiện vay để tránh “sập bẫy”.

Cẩn thận với dịch vụ Alô là có tiền - Ảnh 1.

Các dịch vụ cho vay vốn trả góp, không thế chấp “giăng bẫy” khắp nơi

Với việc xét duyệt cho vay rất dễ dàng nhưng lãi suất quá cao, khiến phản ảnh về việc đòi nợ theo kiểu “khủng bố” của các dịch vụ tiêu dùng bùng phát mạnh thời gian gần đây.

Chậm trả sẽ “mang quan tài đến nhà”?

Những ngày gần đây, Tuổi Trẻ liên tục nhận được nhiều phản ảnh cũng như kêu cứu của những người vay vốn qua các trang cho vay trực tuyến.

Theo nhiều người vay, các trang web cho vay qua mạng đòi nợ ráo riết bằng nhiều số di động khác nhau theo hình thức cuộc gọi tự động và hù dọa cho vào “danh sách đen” để khỏi vay sau này.

Ông Bùi Minh Thụ (Q.12) cho biết hơn một tháng trước, do cần tiền gấp mà không biết vay của ai, ông đã vay 2 triệu đồng thông qua trang web Dr Dong. Chỉ vay có 2 triệu nhưng 1 tháng 20 ngày sau tiền gốc và lãi lên đến 3,87 triệu đồng.

“Trước đó tôi đã thanh toán hơn 2,1 triệu đồng, nhưng vừa đóng xong lại nhận được tin nhắn phải trả thêm hơn 1,7 triệu đồng. Hạn chót để nộp là 16-12. Họ cũng đe dọa nếu tôi không nộp sẽ cho người mang quan tài xuống nhà” – ông Thụ kể.

Ông cũng cho biết các điều kiện để vay vốn qua trang web này quá dễ, không cần gặp mặt, chỉ cần vào trang web điền thông tin, số CMND, địa chỉ, nơi làm việc và cung cấp số tài khoản là sẽ được chuyển tiền, nên khi cần kíp ông đã tìm đến vay mà không ngờ mình phải trả lãi suất “cắt cổ” thế này, chưa đầy hai tháng tiền lãi đã gần bằng tiền gốc.

Không chỉ mình ông, mà tại công ty nơi ông làm cũng có nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Một trường hợp khác phản ảnh vay 1 triệu đồng của Công ty tài chính Cashwagon – cũng là một đơn vị tự giới thiệu là sử dụng công nghệ để kết nối giữa người vay và người cho vay – vào ngày 26-11 và trả tiền ngay hôm sau.

Người này phản ảnh có hỏi trước điều kiện thì được biết nếu hoàn trả tiền trong vòng 10 ngày sẽ không bị đóng tiền phạt hay lãi thêm, nhưng sau đó liên tục bị công ty này “khủng bố” điện thoại đòi trả tiền, trả lãi.

Điều kiện dễ dàng, lãi vay “cắt cổ”

Người vay chỉ cần có CMND, trong độ tuổi 22-60 và có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở lên. Chỉ cần điền thông tin theo hướng dẫn trên website, sau khi xác nhận thông tin đăng ký, nhân viên sẽ liên hệ với khách hàng.

Trong khoảng một giờ, nếu hợp đồng được duyệt, khách hàng có thể nhận được tiền. Với điều kiện cho vay rất dễ dàng như vậy, nhiều người đã lao đầu vào vay, để rồi dở khóc dở mếu bởi kèm theo đó là lãi suất cho vay kiểu “cắt cổ”.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy ngoài các dịch vụ cho vay dán ở cột điện, bức tường quảng cáo theo kiểu “Alô là có tiền”, “Vay không cần thế chấp”, “Cho vay trả góp”, trên thị trường cũng xuất hiện nhan nhản các dịch vụ cho vay “nóng” thông qua mạng Internet.

Đặc điểm chung là khoản vay rất nhỏ, thường chỉ vài triệu đồng, cao nhất khoảng 10 triệu đồng/lần, thời hạn vay ngắn nhưng lãi suất rất khủng. Khoản vay trong một tuần lãi suất là 7%/tuần, còn một tháng là 30-40%/tháng, tương đương 360-480%/năm.

Ông T.T.Nguyên (Đồng Tháp) cho biết ông vay 32,5 triệu đồng của một công ty cho vay tiêu dùng để mua xe trong thời hạn 24 tháng. Dù trên hợp đồng tín dụng ông chỉ vay 32,5 triệu đồng, nhưng lịch trả nợ ghi số tiền lên đến 34,125 triệu đồng.

Ông bắt đầu trả từ tháng 11-2016, đến tháng 4-2017 gặp khó khăn nên không trả được một kỳ tháng 5-2017. Các tháng sau đó, ông đều đặn trả nợ nhưng bị phạt số tiền hơn 2,4 triệu đồng.

“Tổng cộng sau hai năm vay vốn, từ số gốc 32,5 triệu đồng tôi phải trả đến 65,97 triệu đồng, tức hơn gấp đôi so với số tiền tôi vay” – ông Nguyên bức xúc.

Bà L.T.Huyền (Thái Nguyên) cũng bức xúc vì ngày 10 hằng tháng mới đến hạn đóng tiền, nhưng từ ngày 29 tháng trước nhân viên đã gọi điện thúc nợ, mỗi ngày 3-4 lần. Nếu trễ hạn thì bị đe dọa, chửi rủa với những lời lẽ rất khó nghe.

Cân nhắc kỹ khả năng trả nợ

Sau hàng loạt lá đơn tố cáo lẫn cầu cứu của người vay, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) mới phát đi cảnh báo về mô hình cho vay tiền trực tuyến.

Theo cục này, mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức “cắt cổ” chứ không như quảng cáo.

“Người vay cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, quy trình phê duyệt, giải ngân và thủ tục cung cấp khoản vay. Hiện một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục như ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân” – cục này khuyến cáo.

Cũng theo cơ quan này, phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn. Do đó, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người vay cần tìm hiểu và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng.

Tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý ngoài lãi suất, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay…

Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, trong đó bao gồm những khoản tiền gì, cách thức tính ra sao, cách thức thanh toán, thanh toán cho ai và thời hạn thanh toán…

Người vay cũng phải tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tính toán để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.

Đừng tự chuốc lấy phiền phức

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết việc cho vay tiêu dùng thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan này chưa cấp phép cho tổ chức nào hoạt động dưới dạng cho vay thông qua các trang web và cũng không quản lý các trang web cho vay này.

Theo các chuyên gia, hiện có lỗ hổng trong quản lý rất lớn với hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý hoạt động cho vay của các tổ chức cho vay theo luật định như ngân hàng và công ty tài chính, trong khi một số hình thức khác như tiệm cầm đồ lại thuộc phạm vi quản lý của bộ ngành khác.

Trong khi đó, các trang web cho vay lại không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nào. Lợi dụng tình trạng “tranh tối tranh sáng” này, các trang web cho vay đang mọc ra như nấm sau mưa với đủ chiêu trò lôi kéo.

Người vay không nên thấy các điều kiện vay quá dễ dàng mà vội vàng vay để chuốc lấy phiền phức sau này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cắt cổvay nặng lãivay trả gópvay trực tuyến

Các tin liên quan đến bài viết