Ông Nguyễn Bá Thịnh, “Vua trồng tiêu” do Hiệp hội hồ tiêu thế giới (IPC) bình chọn năm 2014 cho biết: Mùa tiêu năm nay khả năng sẽ được mùa hơn năm trước nhưng tiêu lại bị chết nhiều do mưa dầm kéo dài từ tháng 10 đến nay, làm tăng độ ẩm, gây mầm bệnh cho hồ tiêu.

Nhiều hộ trồng tiêu ở Hớn Quản, Bù Đốp phản ánh mưa kéo dài nên không phải tưới như năm 2015. Tuy nhiên, nhiều vườn tiêu đang có hiện tượng vàng, rụng lá, héo cây do bị nhiễm nấm bệnh. Theo kinh nghiệm của những người trồng tiêu, đây là hiện tượng bệnh chết nhanh cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1-2 tuần, thân dây chính vẫn bám trên trụ, có trường hợp khi cây chết lá bị héo khô nhưng không rụng. Nguyên nhân là do nấm bệnh phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa, nhưng cuối mùa mưa mới gây chết hàng loạt. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh, bón phân không cân đối.

Tại diễn đàn phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên diễn ra ngày 31-10 tại thị xã Đồng Xoài, nhiều nông dân và các chuyên gia hồ tiêu đều khẳng định với cây tiêu thì phòng bệnh là chính. Bởi khi tiêu đã bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm hay tuyến trùng, thì dù có đổ bao nhiêu thuốc bảo vệ thực vật hay phun trùm lên toàn bộ trụ tiêu cũng “bó tay”.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, mỗi năm trung bình có khoảng 2.000 ha hồ tiêu bị chết do nấm bệnh, chủ yếu ở Tây Nguyên. Thạc sĩ Lê Thúc Long, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo bà con chọn đất thoát nước để trồng tiêu; không nên trồng tiêu quá dày, có quỹ đất để đào mương, rãnh thoát nước, chống úng khi mưa kéo dài.

Theo: Bình Phước Online

Từ khóa : bệnh hồ tiêumùa mưathời tiết

Các tin liên quan đến bài viết