Trong suốt sự nghiệp, nghệ sĩ Trần Hạnh nổi tiếng với hình tượng một “lão nông” hiền lành, chất phác trên màn ảnh. Ngoài đời, ông cũng có cuộc sống hết sức giản dị. Đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn đau đáu với nghề và mong muốn được đi diễn.

Song, thời gian gần đây, phần vì sức yếu, phần vì tuổi đã cao, ông gần như không còn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Mới đây, những thông tin NSƯT Trần Hạnh dù đã 89 tuổi vẫn phải “mưu sinh bằng việc bán giày, bán mũ” ngoài đường khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Tìm gặp ông vào một tối đầu đông, tôi dễ dàng nhận ra người nghệ sĩ già ngồi trước cửa hàng nhỏ trên phố Trần Quý Cáp (Hà Nội) bên ấm trà mạn còn nghi ngút khói. Sau những ồn ào từ chuyện được đặc cách danh hiệu cho đến việc bị hiểu lầm vẫn phải vật lộn mưu sinh ở tuổi 89, NSƯT Trần Hạnh tỏ ra khá dè dặt khi nhận lời phỏng vấn. Phải ngồi một lúc làm quen qua những tin tức thời sự hàng ngày, ông mới bắt đầu trải lòng với những câu chuyện về đời về nghề.

Ít người biết, nếu không đến với nghệ thuật, NSƯT Trần Hạnh cũng chỉ là một người thợ đóng giày bình dị. Cho tới bây giờ sau gần cả cuộc đời theo đuổi nghiệp diễn, so với bạn bè cùng thế hệ của mình ông thấy mình được gì và mất gì?

Tôi có được nhiều thứ nhờ nghệ thuật. Được bạn bè giúp đỡ, lại được nhà nước đào tạo 4 năm tại trường sân khấu, ra trường lại được đứng trên sân khấu từ Bắc chí Nam qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và sống bằng nghệ thuật cho tới ngày hôm nay. Còn nói về mất suy cho cùng tới giờ tôi chẳng thấy mình mất gì cả.

Trước khi đến với sân khấu tôi chỉ là một anh thợ đóng giày vì ham mê nghệ thuật mà ban ngày làm giày, tối lại đi theo đoàn kịch thanh niên Hà Nội để học diễn xuất. Cũng nhờ có bạn bè thấy cuộc sống của tôi chật vật quá mà giúp đỡ giới thiệu tôi vào Nhà hát kịch Hà Nội. Cho tới giờ tôi chẳng thấy phải tiếc điều gì cả.

Người đưa tôi tới con đường nghệ thuật là nhà lý luận sân khấu điện ảnh NSND Đình Quang. Thời điểm đó tôi có cơ hội sang Nam Triều Tiên trong dàn hợp xướng sau khi trúng tuyển nhưng cuối cùng vì đã có một vợ hai con, không muốn phải xa nhà nên tôi nghe lời ông Đình Quang về Nhà hát kịch Hà Nội làm việc. Tôi nhớ ngày đó khi mới vào nhà hát đã được 2 bậc lương là 46 đồng, đủ nuôi cả gia đình.

Từ một người thợ đóng giày bước chân vào nghệ thuật, khi ấy điều khó khăn nhất ông từng gặp phải là gì?

Dù được giới thiệu vào nhà hát nhưng tôi không hề có sự đặc cách nào mà vẫn phải thi tuyển một lần nữa. Khi ấy công diễn vở “Chuyến tàu đi đêm” của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Sau khi cầm kịch bản tôi về đọc và diễn thử trước tác giả và được nhận vào làm diễn viên. Lúc bấy giờ dù không được học hành bài bản nhưng những ngày tháng đi theo học hỏi từ đoàn kịch đã giúp khả năng diễn xuất của tôi đã khá vững và không gặp phải khó khăn nào khi bước lên sân khấu.

Từng gắn bó cả đời với sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, nhưng dường như khán giả lại biết tới ông với những hình ảnh trên phim truyền hình nhiều hơn. Ông hẳn có nhiều cảm xúc khi nhớ về một thời hoàng kim của sân khấu kịch, ông yêu vai diễn nào nhất trong các vai kịch của mình?

Cho đến lúc đi làm phim, có nhiều người hỏi tôi sao hay đi làm phim thế, có phải vì cát xê cao? Tôi trả lời không phải như vậy. Thực ra tôi thích đứng trên sân khấu hơn là làm phim vì đó là thánh đường của người nghệ sĩ còn đóng phim cứ phải nghe theo lời đạo diễn rồi phải đứng đúng chỗ này chỗ khác bị đóng khung mất đi tính sáng tạo. Chính vì vậy tôi gắn bó rất lâu với sân khấu cho tới sau năm 1989, khi tôi về hưu mới bắt đầu chuyển sang đóng phim truyền hình.

Từ khi chính thức trở thành diễn viên của nhà hát kịch Hà Nội. Trong suốt 30 năm đứng trên sân khấu với hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, cho tới bây giờ tôi vẫn thích nhất nhân vật Nguyễn Trãi trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa” hay gã Wour trong “Âm mưu và tình yêu” vì đó là 2 vai diễn cho tới giờ tôi vẫn cảm thấy khó vô cùng.

Nhiều người vẫn tưởng đóng phim truyền hình là thu nhập cao hơn sân khấu nhưng có đôi lần ông chia sẻ về chuyện bị cắt xén, thậm chí quỵt cả tiền cát-xê, sau bao nhiêu năm đi diễn sao ông chưa một lần lên tiếng đòi lại công bằng cho mình?

Tôi nhớ hồi đóng vai chính trong bộ phim nhựa “Chiếc bình tiền kiếp” ròng rã 3 tháng trời được trả 600.000 đồng. Có người trong đoàn phim bảo tôi họ làm vậy mà được à, trả có như vậy thì sao mà sống được. Đến phim “Chuyện cổ tích tuổi 17” tôi được trả rẻ mạt đến mức khi nhận tiền thù lao nghệ sĩ Ngọc Lan còn bức xúc thay tôi… Từ đó, tôi coi những vị người trả cho tôi những đồng tiền rẻ mạt đó là “những gương mặt không chơi được”.

Bị cắt xén là vậy nhưng chưa bao giờ tôi nói cho vợ con mà chỉ giữ điều ấy cho riêng mình. Tôi nghĩ rồi, cũng chẳng muốn gia đình mình vì thế mà sinh ra thù ghét người này người khác. Đồng tiền tuy to thật đấy, cần thật đấy, nhưng tình cảm mới là điều đáng trân trọng hơn.

Trong cuốn tự truyện sắp ra mắt của nam diễn viên Tùng Dương có viết vài chương về tình cảm nghệ sĩ mà ông dành cho vợ chồng anh. Vì sao trong thời kỳ khó khăn ấy ông vẫn dành chút thù lao nhỏ bé giúp đỡ họ mà không màng đến hoàn cảnh của mình?

Câu chuyện với vợ chồng Tùng Dương cũng lâu rồi. Khi đó Hoa Thúy đang mang bầu mà công việc của cậu ấy thì bận rộn không kịp mua gì cho vợ. Đoàn phim lúc đó cũng chẳng có ai quan tâm, tôi coi chúng nó như con chạy ra mua hộp sữa gói bánh về mà Dương cứ đòi trả tiền. Mà chuyện nhỏ như vậy, có đáng gì đâu mà nhận.

Thực sự chuyện đó tôi làm vì thương chúng nó chứ chẳng nghĩ gì tới bản thân nên quên bẵng đi. Mãi tới sau này cậu ấy nhắc lại và đến thăm tôi, nói chuyện cũ mới nhớ. Tùng Dương bảo tôi “bây giờ con giàu lắm rồi không như ngày xưa nữa”, lần đó cậu ấy còn biếu tiền, tôi mới trêu lại “bây giờ cậu qua trả nợ tôi à”.

Sau này, các con ông toàn bộ không có ai theo nghiệp diễn, có phải vì họ thấy rằng, làm nghề diễn viên như ông quá vất vả mà không mang lại lợi lộc gì?

Làm nghề diễn nghèo nên các con tôi sau này không ai dám làm. Tôi nhớ hồi còn làm ở đoàn kịch Hà Nội đi diễn ở rạp Công nhân đi chiếc xe đạp Liên xô cũ kỹ, diễn xong 12 giờ đêm lại đạp lên chợ Đồng Xuân xin nước gạo về để nuôi lợn, vất vả là thế nhưng tôi vẫn yêu thích sân khấu.

Vợ con cứ bảo tôi làm nghề đóng giày có tiền mà lại sạch sẽ hơn nhưng tôi vẫn cứ theo đuổi nghiệp diễn vì đã trót mê nó rồi. Còn hiện tại thật ra tôi cũng không phải quá khó khăn, con cháu cũng nuôi rồi được Đảng, nhà nước quan tâm cấp lương hưu nên không chết đói được dù không thoải mái rượu chè thuốc lá nhưng ngày cũng đủ 3 bữa đàng hoàng.

NSƯT Trần Hạnh trong trích đoạn hài gặp nhau cuối tuần

So với ngày nay diễn viên là một nghề có thể nói hái ra tiền còn với thế hệ cũ như ông nhiều người cho đến cuối đời nhiều người vẫn sống trong cảnh khó khăn, với cá nhân ông cuộc sống khi về già có còn vất vả như người ta vẫn nói?

Có lần tôi định nói với một phóng viên trẻ thấy tôi ngồi bán mũ mà giật tít lên thành “Diễn viên Trần Hạnh ngồi bán mũ ngoài đường để mưu sinh”. Nhưng cuối cùng nhiều người cũng bảo tôi thôi không cần phải đính chính vì bọn trẻ không biết chuyện, thấy tôi ngồi đây mà viết bừa trên báo, họ cũng phải lăn lộn thế này thế khác.

Tôi bán hàng ở đây chẳng thấy có gì đáng ngại, ngồi trông hàng vừa để cho vui vừa giúp đỡ con cháu chứ đâu phải để kiếm sống. Với tôi làm việc gì cũng được miễn là không phạm pháp, đừng so đo nghề này cao quý nghề kia thấp hèn. Nghề nào cũng bình đẳng như nhau cả.

Cách đây 2 năm, NSƯT Chí Trung thấy ông phải ngồi bán hàng phụ con cái vất vả đã kêu gọi khán giả ủng hộ tiền khiến gia đình ông khó xử và con cháu ông đã phải lên tiếng từ chối tiếp nhận giúp đỡ. Sau sự cố đó mối quan hệ của ông và nghệ sĩ Chí Trung thế nào?

Sau lần đó tôi và Chí Trung vẫn thân nhau vì cùng là đồng nghiệp hơn nữa tôi còn cùng thế hệ với nghệ sĩ Quý Dương là bố của cậu ấy nên biết nhau từ rất lâu rồi. Tôi cũng nói với Chí Trung về chuyện ủng hộ từ thiện có làm ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi và các con. Tôi không hề xin cậu ấy hay khán giả nên cuối cùng mọi người ủng hộ như vậy tôi rất khó xử chẳng biết phải nói sao.

Là một trong những nghệ sĩ thành công cả hai lĩnh vực sân khấu và tuyền hình nhưng lại không đạt được nhiều danh hiệu sau những cống hiến không biết mệt mỏi cho nghệ thuật, có khi nào ông cảm thấy chạnh lòng. Nhất là sau khi có thông tin về việc đề nghị “xét đặc cách” danh hiệu NSND cho ông?

Tôi không bao giờ thấy chạnh lòng vì nghệ sĩ có thể vài chục năm vẫn còn theo đuổi sân khấu, được khán giả nhớ đến còn cán bộ những người tổ chức xét duyệt danh hiệu thì thay đổi liên tục. Cứ người này lên chức người kia về hưu thì việc các nghệ sĩ bị quên lãng là điều khó tránh khỏi.

Như tôi ngày trước, diễn những vở kinh điển như “Lam Sơn tụ nghĩa” hay “Âm mưu và tình yêu” bây giờ đâu còn ai biết, lúc đó chưa có phim ảnh, chưa có báo chí truyền thông như bây giờ, một vở diễn lưu lại được vài bức ảnh đen trắng thì nói lên được điều gì. Còn vở “Tiền tuyến gọi” của Trần Quán Anh, tác giả vẫn còn sống nhưng bây giờ tôi lấy gì cụ thể chứng minh những việc tôi đã làm cho sân khấu Việt Nam? Bây giờ có hỏi lại may ra có những người tầm tuổi 70-80 đi xem vài lần thì còn nhớ những vở diễn đó còn không thì ai biết.

Ông nghĩ gì về việc trình tự để xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ hiện nay, các nghệ sĩ muốn có danh hiệu thì phải làm “đơn xin xét tặng danh hiệu”?

Tôi nói thật 3-4 lần tôi không làm đơn xin xét duyệt lên NSND nữa vì lần đầu tiên tôi được NSƯT là ở trên họ thấy tài năng của tôi có thể được danh hiệu từ năm 1984, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn sống.

Cho đến bây giờ sau bao nhiêu năm tôi cũng chẳng phàn nàn hay thắc mắc chuyện danh hiệu NSND nữa vì họ biết thì họ sẽ làm, còn họ không biết thì không nên làm đơn để xin việc đó làm gì. Danh hiệu tới đâu là do tài năng của mình chứ tôi không muốn phải xin ai danh hiệu, nó làm thấp kém cái danh dự của người nghệ sĩ như tôi.

Các bạn diễn cùng thế hệ với ông, các nghệ sĩ Trịnh Thịnh, Trịnh Mai, Văn Hiệp… những người đã qua đời sau khi cống hiến cả đời cho nghệ thuật mà không màng danh lợi, vinh hoa, họ xem nghệ thuật như một nghề, bình dị như bao nghề khác. Nếu được chọn lựa lại một lần nữa, ông có chọn nghề diễn viên hay không?

Cho tới giờ khi đã gần đi hết cuộc đời tôi chẳng còn ước mong gì trong sự nghiệp nữa vì nhìn lại bản thân, tôi đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, tôi đã mang theo đam mê của mình đến những nơi bom đạn ác liệt nhất để phục vụ khán giả. Đó đã là một sự hài lòng lớn cho cuộc đời tôi.

Còn nói về những vai diễn ngoài vai chính diện, bi kịch có lẽ tôi không hợp với vai hài hay phản diện. Tôi đến với nghệ thuật như một thú vui chưa không phải để kiếm kế sinh nhai vì rõ ràng tôi yêu nó chứ không phải bắt buộc làm nó vì tiền. Nếu được sống hai lần, tôi vẫn xin được làm sân khấu chứ không phải điện ảnh.

Trong ngôi nhà nhỏ diện tích khá chật trong ngõ sâu sau ga Trần Quý Cáp, mấy chục năm nay, nghệ sĩ Trần Hạnh có thêm một nhiệm vụ là chăm sóc người con trai thứ 2 bị tai nạn giao thông. Ông kể: “Tôi nhớ ngày đứa con trai thứ hai bị tai nạn giao thông đang quay phim ở Hà Tĩnh phải vội vàng quay về xem tình hình. Sau vụ tai nạn nó không còn được minh mẫn đầu óc nhớ nhớ quên quên muốn nói gì phải dặn dò mấy lần mới hiểu”.

Nhiều người thấy người cha già cả vẫn phải chăm sóc cậu con trai cũng ái ngại hỏi sao mãi cậu ấy không chịu lấy vợ, ông trả lời giọng trầm xuống: “Hồi ấy bà nhà tôi còn sống hai vợ chồng phải thay nhau chăm thằng con trai 23 tuổi đầu. Cũng may sau vụ tai nạn nó còn lành lặn dù không minh mẫn lắm nhưng vẫn ra phụ bán hàng cho anh chị được. Có điều từ đấy đến giờ nó đã hơn 50 tuổi mà chưa lập gia đình. Vợ chồng tôi ngày trước cũng giục lấy vợ nhưng cậu ấy không chịu lấy nên rồi cũng thôi chẳng nói nữa. Đã như vậy rồi thì cứ ở thế thôi chứ giờ lấy vợ khéo lại nặng thêm”.

Kể về cuộc sống sinh hoạt ông vẫn vui vẻ: “Tôi ở cùng với vợ chồng con trai lớn và đứa con trai bị tai nạn. Tôi già rồi nên ăn uống khó cứ phải nấu riêng chứ chẳng ăn chung được với các con. Từ xưa đến nay, tôi ăn đạm bạc quen rồi, ngày cứ một mớ rau là xong, quần áo giặt giũ tôi cũng tự làm hết vì không biết dùng máy cũng chẳng muốn làm phiền các con. Ở nhà tôi ngoài nghe đài đọc báo, ai viết bài gì trên mạng cũng toàn con cái đọc giúp. Tôi có cái điện thoại cũng chỉ để nghe gọi chứ ai nhắn tin đến là chịu”.

Trên gương mặt nhăn nheo những dấu vết muộn phiền của NSƯT Trần Hạnh, chiếc kính đang che đi một bên mắt vẫn còn xung huyết. Ông không muốn kể lể quá nhiều để người ta phải thương cảm nhưng rồi cũng thú thật: “Gần đây, mắt tôi mờ dần một bên, bác sĩ bảo thoái hóa sắp mù nên tôi cũng bỏ đọc báo rồi. Trước đây tôi có đi tiêm thuốc hết 14 triệu đồng, được bảo hiểm nên chỉ phải trả 2 triệu. Mới đây một bên mờ lắm rồi phải tự đi tiêm thuốc vì hết tiêu chuẩn mỗi lần hết 2 triệu mà cũng không khỏi được. Thôi thì cũng đành chịu, mình bệnh tuổi già nên được ngày nào hay ngày đấy thôi”.

Theo Dân việt

 

Từ khóa : NSƯT Trần Hạnh

Các tin liên quan đến bài viết