Có thể chỉ đạo học trò đánh học trò tàn bạo, bắt học trò súc nước vắt giẻ lau bảng, đánh trẻ như kẻ thù… – trong những hoàn cảnh này, không chỉ học trò mà chính người thầy đã không nhìn thấy được niềm vui từ công việc, từ học trò.

Giáo viên bắt học sinh tát bạn 230 cái rồi tự mình ra tay thêm 1 cái tát; giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo lên lớp nhiều tháng trời không hé miệng nói một lời với học trò… Và còn nhiều lắm những vụ việc bạo hành học đường kinh hoàng từ chính thầy cô gieo cho học trò.

Từ những trường hợp cụ thể, cho dù là nguyên nhân gì đi nữa như nghề giáo vất vả, lương thấp, áp lực thi đua thành tích… thì cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, người đó không phù hợp với công việc nghề giáo.


Cậu học trò lớp 6 ở Quảng Bình bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.

Cậu học trò lớp 6 ở Quảng Bình bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.

Không chỉ là những đòn roi, những hình phạt khủng khiếp, không chỉ những sự việc đưa ra dư luận. Trên thực tế, không hề ít những giáo viên cứ vào lớp và chửi bới, chì chiết, cay nghiệt với học trò… Mắng mỏ, chê bai, bêu riếu học trò trở thành một phần trong “công việc” chuyên môn của nhiều nhà giáo. Họ đã không nhìn thấy niềm vui từ công việc, từ học sinh, không thấy động lực để sáng tạo, để nghĩ ra các giải pháp trong cả những trường hợp, tình huống khó khăn hay gặp phải học trò “cá biệt”…

Người thầy đối xử với học trò như là “nỗi uất ức của cuộc đời”, đối xử với bục giảng như là nơi để xả giận, như là đấu trường… thì rõ ràng người đó không phù hợp với nghề giáo. Và trong cuộc sống, không chỉ với nghề giáo, với giáo viên mà với tất cả mọi ngành nghề, mọi người không có gì bi kịch hơn là làm và bám lấy công việc mình không yêu thích, không phù hợp.

Nhiều năm qua, tại một số trường sư phạm thường có các tọa đàm với tinh thần “Tiếp lửa cho lòng yêu nghề” cho nghề giáo. Rất nhiều lý do được xem là cản trở của nghề giáo được nhắc đến như lương bổng, vị thế người thầy trong xã hội phụ huynh, tâm sinh lý học sinh phức tạp…

Thế nhưng, rất nhiều người cũng đặt ra vấn đề, không có nghề nghiệp nào trong xã hội này được rải sẵn hoa hồng đã gỡ bỏ gai để cho mọi người bước đi. Việc tiếp lửa cho nghề giáo sẽ trở nên vô nghĩa, khi mà người thầy đã không yêu nghề, không thích hợp – thì lại sẽ có vô số những lý do khác để họ không thể nhìn thấy hạnh phúc trong nghề.

Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã thốt lên: Giáo viên làm ơn đừng viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, học sinh ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem học sinh như kẻ thù. Không ai súng vào đầu các thầy cô giáo ấy để bắt họ phải theo nghề.

Bà cho rằng, nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn, lựa chọn theo nghề nào đó hoàn toàn là quyết định cá nhân. Nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề đó thì hãy từ bỏ, chuyển sang nghề khác.

Không phủ nhận nghề giáo có những áp lực đặc thù, giảng viên này nhấn mạnh, nếu thầy cô nào cảm thấy năng lực giáo dục học sinh của mình hạn chế mà vẫn mong muốn theo nghề vì yêu nghề, yêu trò thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ nguồn nào.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng nếu đứa trẻ không được an toàn trong trường học thì những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm với lương tâm của chính mình trước khi đối diện với pháp luật. Nhiều người đặt câu hỏi nếu không dùng nhục hình, bạo lực và sự xúc phạm làm vũ khí thì người thầy sẽ làm gì? Bà Quyên trả lời: Người thầy phải có phương pháp, tâm lý và tình yêu.

Người thầy chỉ hạnh phúc khi tìm được niềm vui từ công việc, từ chính học trò (Ảnh thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM trong dịp lễ 20/11)

Người thầy chỉ hạnh phúc khi tìm được niềm vui từ công việc, từ chính học trò (Ảnh thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM trong dịp lễ 20/11)

Còn nếu không thể có được những điều ấy thì bà Quyên cho hay, người thầy nên bước ra chọn một công việc khác. Không có bất kỳ nguyên cớ nào được cảm thông bởi còn dạy trẻ ngày nào thì những người đó sẽ còn các sản phẩm lỗi của giáo dục ra đời.

Chứng kiến nhiều sự việc bạo hành của giáo viên với học sinh, người thầy thể hiện tính bạo lực, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng nói thẳng: Một số giáo viên không cần phải tập huấn lại mà chỉ cần trục xuất khỏi ngành.

Có rất nhiều phương án được đặt ra để bồi đắp lòng yêu nghề cho giáo viên như tập huấn, bồi dưỡng… hay với những giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo có thể bị kỷ luật, đuổi việc. Thế nhưng, đó chỉ là những phương án từ bên ngoài hay sự đã rồi, chính mỗi người phải tự cứu mình. Nếu thấy bản thân không phù hợp với công việc, với những áp lực có thể của nghề giáo hãy mạnh dạn rời nghề.

Còn nhớ trong sự bạo hành trẻ mầm non chấn động xảy ra ở cơ sở Phương Anh, TPHCM gây chấn động dư luận năm 2013, lời của cô bảo mẫu “sa chân” cũng là lời cảnh tỉnh với rất nhiều: Tôi không phù hợp với nghề chăm trẻ, lẽ ra tôi không nên chọn công việc này!

Bỏ nghề khi bản thân không thấy hợp – đó cũng chính là cách tôn trọng, trân quý bản thân và để sống hạnh phúc!

Theo Dân Trí

Từ khóa : bạo hànhbạo hành học đườnggiáo dục học sinhyêu nghề

Các tin liên quan đến bài viết